Hành trình vượt núi của những cánh quạt gió lớn nhất Việt Nam
(Dân trí) - Nắm giữ nhiều kỉ lục vừa là niềm tự hào vừa là bài toán đặt ra đối với đội ngũ thực hiện dự án Phong điện Tây Nguyên. Một trong số những công tác khó khăn nhất chính là vận chuyển những chiếc cánh quạt gió có kích thước lớn nhất Việt Nam vượt qua các cung đường hiểm trở của cửa ngõ khu vực Tây Nguyên.
Công tác vận chuyển những cánh turbine dài đến 57m - hiện đang nắm giữ kỷ lúc về chiều dài ở Việt Nam - đòi hỏi tới các phương tiện chuyên dụng, có khả năng vận tải những thiết bị siêu trường (độ dài lớn hơn 20m) siêu trọng (nặng trên 20 tấn). Có thể nói rằng, mỗi công tác trong dự án đều đang xác lập những kỷ lục mới trong ngành vận tải siêu trường siêu trọng tại Việt Nam.
Theo đại diện của tập đoàn GE, gam máy 2,4MW, thiết kế của tháp và cánh mà dự án Phong Điện Tây Nguyên sử dụng đều là kết quả của quá trình cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các phương án trong những mô hình được số hóa trên các siêu máy tính; nhằm tối ưu hóa hiệu năng của mỗi chiếc, dựa theo số liệu khảo sát được tại từng vị trí lắp đặt.
Một trong những cung đường hiểm trở nhất: Quốc lộ 26
Cung đường vận chuyển cánh turbine có điểm khởi đầu là cảng Phú Mỹ, TP.HCM và điểm đến là bãi tập kết thiết bị của dự án, nằm trên địa bàn huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Hành trình có độ dài tổng cộng là 476km, đòi hỏi công tác vận tải diễn ra cả ngày lẫn đêm, kéo dài liên tục gần một tuần lễ, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và sự bố trí của lực lượng kiểm soát phân luồng giao thông.
Nhằm đảm bảo lộ tuyến an toàn nhất cho những đơn hàng có giá trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng này, đơn vị nhà thầu vận chuyển và lắp đặt, Công ty Cổ Phần IBS EC đã phải dành đến hàng năm trời để tiến hành công tác đo đạc, khảo sát và lên kế hoạch vận chuyển phù hợp cho mỗi linh kiện, đặc biệt là cánh turbine điện gió, bởi đây là bộ phận có kích thước lớn nhất.
Nếu đi theo cung đường bình thường, nghĩa là xuất phát từ cảng Cam Ranh, thì khi đến đoạn 12km chạy qua đèo Phượng Hoàng (QL26), cánh quạt quá lớn khi vào các khúc cua hẹp, có hình chữ U, hay chữ Z sẽ va chạm trực tiếp với địa hình đồi núi hiểm trở. Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu quyết định lựa chọn giải pháp thay thế là cảng biển quốc tế Phú Mỹ, dù tuyến đường này dài hơn quãng đường bình thường đến tận 150km nhưng lại có thể đảm bảo an toàn tối đa cho các cánh quạt.
Ngành vận tải siêu trường siêu trọng
Góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hành trình vận chuyển của dự án được diễn ra suôn sẻ, an toàn là sự hỗ trợ và hướng dẫn của các cơ quan hữu quan: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Phòng quản lý hạ tầng giao thông đô thị và Cục quản lý đường bộ của các địa phương. Các đơn vị này trực tiếp cấp phép, điều tiết giao thông, tháo dỡ và loại bỏ các chướng ngại vật bên đường như biển báo, các tấm thanh chắn trên tại các khu vực dân cư hoặc các đoạn đường có địa hình phức tạp.
Song hành với sự phát triển của các công trình trọng điểm quốc gia, ngành vận tải đang dần xô đổ những cột mốc trước đó của mình. Người dân Hà Nội có lẽ không lạ lẫm gì với các khối bê tông lớn nặng chừng 200 tấn, dài 30m được vận chuyển trong đêm, để phục vụ việc thi công tuyến đường sắt trên cao từ năm 2013.
Đến năm 2014 là những thử thách đặt ra cho các đội ngũ vận chuyển các thiết bị của nhà máy điện Vũng Áng (Hà Tĩnh). Và mới đây nhất, hàng loạt các nhà máy điện gió tại xã Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu) hay xã Phú Lạc (Bình Thuận) lần lượt cán mốc 42m và 49m vào năm 2016. Do đó công tác vận chuyển cánh quạt turbine dài đến 57m này vừa đánh dấu một kỷ lục mới trong ngành vận tải siêu trường siêu trọng tại Việt Nam, vừa trở thành cột mốc mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước
Người nắm giữ kỉ lục
Trong số các dự án năng lượng phong điện hiện nay, Trang trại Phong Điện Tây Nguyên là dự án duy nhất nằm xa so với đường bờ biển, nhưng lại sở hữu kích thước lớn nhất (sải cánh 57m) và tổng công suất lớn nhất khu vực ĐNÁ (280MW) - sau khi hoàn thành giai đoạn 3 của dự án theo chủ trương được cấp phép.
Đây là bài kiểm tra năng lực đối với các đơn vị nhà thầu nội địa và có ý nghĩa bản lề đối với ngành năng lượng Việt Nam. Kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được từ thực tiễn triển khai vận chuyển, thi công, lắp đặt và vận hành sẽ là nền tảng cho sự tự chủ tương lai của doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực công nghệ cao thường được giao phó cho các nhà thầu quốc tế. Sự tự chủ trong nước không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn đảm bảo được chất lượng công trình, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đại công nghiệp của Việt Nam.