Quảng Ninh:
Giao doanh nghiệp lập bến xe tạm giảm ùn tắc giao thông
(Dân trí) - Ùn tắc giao thông ở khu vực cửa khẩu Móng Cái nhiều năm qua khiến cho hoạt động giao thương ở đây trở nên khó khăn. Trước thực trạng này UBND TP Móng Cái đã chủ trương đưa ra giải pháp xã hội cho DN đầu tư, xây dựng bến xe tạm.
Bến xe tạm giai đoạn 1 đã bắt đầu trở nên quá tải.
Tính trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Móng Cái có khoảng 300 lượt xe container từ nhiều tỉnh, thành thông quan. Nhưng tại các điểm thông quan xe container không có bến đỗ, gây ra tình trạng ách tắc giao thông khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Để tìm giải pháp chống ùn tắc, UBND TP Móng Cái đã xã hội hóa công tác quản lý, quy hoạch bãi đỗ xe và giao cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng. Theo đó bãi xe tạm tại điểm Thông quan Lục Lầm được quy hoạch với tổng diện tích 68.757m2 trong đó khu số 1 (giai đoạn 1) có diện tích 25.075m2 và khu số 2 (giai đoạn 2) là 43.682m2 được giao cho Công ty dịch vụ thương mại Tây Bắc thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, giai đoạn 1 của bến xe này đã được thi công xong và đi vào họat động, điều tiết cho họat động của 150 - 200 phương tiện ô tô vận tải/ngày và đã cơ bản giải quyết được nạn ùn tắc giao thông, nhận được sự đồng tình của người dân và các doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP Móng Cái nói: “Trước đây, UBND TP đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh bức xúc của người dân, doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực thông quan cửa khẩu Móng Cái do thiếu bến bãi cho các xe chở hàng chờ thông quan.
UBND TP đã quyết tâm và tháo gỡ được các vấn đề này bằng cách xã hội hóa công tác xây dựng quản lí bến bãi cho các doanh nghiệp đầu tư”.
Ông Hà cho biết thêm, thời gian tới TP Móng Cái sẽ tiếp tục rà soát và thực hiện tốt việc quy hoạch bến, cảng trên địa bàn về hạ lưu sông biên giới. Phối hợp cùng các ngành điều tiết lượng hàng hoá thông quan tại các điểm thông quan cho phù hợp. Mặt khác tiếp tục thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông trong đó phát huy hiệu qủa mô hình xã hội hoá đầu tư như bến tạm Lục Lầm để phát huy nguồn vốn của doanh nghiệp.
H. Ngân