Gà Bản Bắc – Mô hình nuôi thả thuần sạch gắn với tự nhiên

Nhằm tận dụng tốt nhất những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như môi trường trong lành chưa bị tác động bởi các hoạt động công nghiệp, phổ thực vật phong phú, dân cư thưa thớt, và diện tích đất tự nhiên rộng lớn tại các địa phương vùng cao phía Bắc cho sản xuất các sản phẩm gia cầm thuần sạch với chất lượng cao, gián tiếp tạo thêm hướng phát triển kinh tế vùng, Chương trình nuôi thả các giống gà bản địa của miền Bắc Việt Nam tại các khu nuôi thả tự nhiên (gọi tắt là Gà Bản Bắc) đã được xây dựng tại một số địa phương được lựa chọn

Đây là Chương trình được thực hiện thông qua sự phối hợp giữa Công ty CP.Thực phẩm sạch và Dinh dưỡng Miền Bắc (NFFN)  với cơ quan quản lý thú y các địa phương tiếp nối kết quả của Dự án Phát triển chăn nuôi tại Vùng cao Tây Bắc  Việt Nam (PALD) do Tổ chức Nông nghiệp và Thú Y không biên giới (AVSF)  thực hiện với sự quản lý của Viện chăn nuôi Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2011-2014.


Khảo sát, đánh giá hệ thực vật và côn trùng trong khu nuôi thả tự nhiên Bản Bắc

Khảo sát, đánh giá hệ thực vật và côn trùng trong khu nuôi thả tự nhiên Bản Bắc

Điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình so với các mô hình nuôi gà đồi hay gà vườn theo hướng sạch hay hữu cơ thường thấy (và qua đó là sự khác biệt về chất lượng  của sản phẩm thịt gia cầm) là việc phát triển các khu nuôi thả tự nhiên  ở vùng cao để tiến hành nuôi thả gia cầm tự do trong môi trường hoang dã và cận hoang dã  nhằm tận dụng tối đa các ưu thế riêng có về điều kiện tự nhiên, không sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và thức ăn công nghiệp.

Thông qua chương trình, NFFN  phối hợp chặt chẽ với cán bộ quản lý chăn nuôi thú y có kinh nghiệm tại các địa phương, những người đã tham gia trực tiếp vào việc thực hiện dự án PALD trên địa bàn, nhằm xây dựng một quy trình đánh giá, chọn lọc các khu nuôi thả tự nhiên đạt tiêu chuẩn, đồng thời giới thiệu và áp dụng các tiêu chuẩn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh tổng hợp nhằm tạo sản phẩm  thuần sạch, đáp ứng những yêu rất khắt khe về chất lượng. Điều này sẽ giúp cải tiến phương thức chăn nuôi ở điều kiện hoang dã và cận hoang dã tại địa phương.

Các giống gà được lựa chọn là các giống bản địa tại Miền Bắc như Ri, Lạc Thủy, H’mông, Ri pha, gà nhiều cựa…và một số giống lai chéo địa phương đã được nuôi từ lâu trong nhân dân có chất lượng thịt tốt và khả năng thích ứng cao với điều kiện thiên nhiên hoang dã và khí hậu vùng đồi núi phía Bắc.

Ngoài các yêu cầu nghiêm ngặt như các quy trình chăn nuôi hữu cơ, tiêu chuẩn về chỉ số diện tích nuôi thả trên một đầu gia cầm của Gà Bản Bắc tại các khu nuôi thả tự nhiên hiện được đánh giá là cao hơn rất nhiều. Điều này được thấy  khi so sánh tiêu chuẩn tối thiểu hàng chục,  thậm chí hàng trăm m2 diện tích tự nhiên với đủ  thảm thực vật và hệ côn trùng phong phú trên một đầu gia cầm Bản Bắc so với yêu cầu chỉ vài m2 tiêu chuẩn diện tích/đầu gia cầm ở nhiều mô hình khác (bao gồm gà thả vườn/đồi theo chuẩn an toàn hay hữu cơ).

Việc khống chế tải lượng sinh học bắt buộc  trong khu nuôi thả tự nhiên Bản Bắc được căn cứ vào các đánh giá khoa học về sự phong phú và khả năng đáp ứng của hệ thực vật và côn trùng (hay sinh vật nền) nhằm giới hạn số lượng cá thể gia cầm nhỏ trên một đơn vị diện tích tự nhiên rộng lớn.  Điều này giúp đảm bảo cho gia cầm  tự do chạy nhảy,  tìm kiếm phần lớn thức ăn từ tự nhiên cũng như  giúp  quá trình tự hồi phục và tự làm sạch của thiên nhiên đối với các tác động từ chăn nuôi diễn ra nhanh chóng.

Đây là lần đầu tiên các đánh giá đầy đủ như vậy đối với khu nuôi thả được tiến hành trong chăn nuôi gia cầm. Yêu cầu về tải lượng sinh học này được xem là rất khó đạt được với đa phần các mô hình chăn nuôi gia cầm khác. Chính yếu tố này cũng đã giúp giảm sự phụ thuộc và loại bỏ được các chế phẩm sinh hóa cho vệ sinh chuồng trại như thường thấy.

 Không gian nuôi thả lớn và nguồn thức ăn phong phú từ tự nhiên đóng vai trò quan trọng cho chất lượng thịt gia cầm
 Không gian nuôi thả lớn và nguồn thức ăn phong phú từ tự nhiên đóng vai trò quan trọng cho chất lượng thịt gia cầm

Theo quy định, thức ăn công nghiệp và các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng (premix) được hoàn toàn loại bỏ trong suốt quá trình nuôi thả. Gà Bản Bắc  tự tìm kiếm được phần lớn thức ăn ngoài tự nhiên hoang dã vốn đa dạng về hệ thực vật và côn trùng giàu vitamin,  protein và khoáng, với không gian vận động rộng lớn và trong lành giúp mang lại phẩm cấp thịt rất cao và thuần sạch theo đúng nghĩa. Chúng đạt sự cân bằng tốt hơn các acid amin và phong phú hơn các chất vi lượng trong thịt  so với  những cá thể gà ta được nuôi trong các mô hình khác không có sự đa dạng về phổ thức ăn tự nhiên.

Trong thực tế, chính các đặc điểm tự nhiên như mật độ dân cư thưa thớt, môi trường trong lành và ít bị tác động,  địa hình bị phân tách, chia cắt bởi suối, khe... đã tạo điều kiện cho các khu nuôi thả tự nhiên Bản Bắc dễ dàng được cách ly và rất hiếm xảy ra cũng như dễ dàng kiểm soát dịch bệnh.

Môi trường trong sạch, gia cầm khỏe mạnh, đi kèm với công tác quản lý thú y tổng hợp cũng giúp hoàn toàn loại bỏ được vấn nạn về dư lượng thuốc kháng sinh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Một ý nghĩa khác của Chương trình còn là nhằm cải thiện, gắn kết chặt chẽ và nâng cao tính hiệu quả các hoạt động chăn nuôi tại địa phương giúp giảm áp lực lên môi trường.

Chia sẻ về việc thực hiện Chương trình gà Bản Bắc trên địa bàn, ông Hà Quang Huy, lãnh đạo quản lý thú y và chăn nuôi tại huyện miền núi Tân Sơn, Phú Thọ, một người tâm huyết và  đã có những  chia sẻ, đóng góp thiết thực cho Chương trình cho biết: “Mục tiêu và nội dung của Chương trình phát triển gà Bản Bắc cũng rất phù hợp với  đặc điểm tự nhiên và phương thức chăn nuôi ở vùng cao. Gà Bản Bắc, nói một cách đơn giản, là một chương trình giúp tạo ra sản phẩm thực sự sạch chất lượng cao phát huy tốt nhất các đặc điểm ưu đãi của tự nhiên. Việc tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt trong chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh trong Chương trình sẽ giúp nâng cao trình độ chăn nuôi” .

Ông Bùi Quang Tùng, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Thọ nhận xét: “Dưới góc độ bảo vệ môi trường, những Chương trình giúp người dân chủ động gắn kết sự phát triển kinh tế  với việc duy trì sự đa dạng của hệ động, thực vật nền phục vụ chăn nuôi sẽ làm tăng tính hài hòa và giảm áp lực lên môi trường. Đây cũng chính là Chương trình phục vụ sự phát triển bền vững của cộng đồng”.

Được biết, trong thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá và đánh giá lại song song với việc mở rộng một cách có chọn lọc quy mô và số lượng các khu nuôi thả tự nhiên Gà Bản Bắc nhằm từng bước gia tăng sản lượng sản phẩm gia cầm.

Bài và ảnh: Hữu Linh