Đường thủy âm thầm đột phá công nghệ ứng dụng
Sự lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới, hiện đại hóa đã giúp ngành GTVT đường thủy nội địa chỉ trong vòng hơn một năm đã đạt được những bước đột phá trong quản lý và phục vụ doanh nghiệp, người dân.
“Số hóa” từ bộ máy đến hạ tầng
Những năm trước 2015, ngành đường thủy liên tục nằm cuối bảng xếp hạng của ngành GTVT (so với các chuyên ngành GTVT khác) về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, Cục Đường thủy nội địa VN nói riêng và ngành đường thủy nói chung đã nhảy vọt về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong kết quả xếp hạng được Bộ GTVT công bố trong tháng 6/2016 vừa qua, Cục Đường thủy nội địa VN được xếp loại tốt và đứng thứ 2 trong tổng số 7 đơn vị thuộc Bộ GTVT. Đằng sau con số biết nói này là những sự thay đổi mang tính đột phá trong lĩnh vực đường thủy.
Có thể ví dụ như đến thời điểm này, thông tin về từng phương tiện thủy ra, vào cảng bến và thống kê vận tải thuộc phạm vi quản lý của Cục Đường thủy nội địa VN được cập nhật trực tuyến hằng ngày, 45 tuyến vận tải chính và hơn 3.000 cảng bến cùng hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy được đưa lên bản đồ số, 58/63 dịch vụ hành chính công được tiếp nhận, giải quyết qua mạng trực tuyến; tại một số khu vực, các phương tiện chỉ cần gửi tin nhắn là được cấp phép vào, rời bến thay vì làm thủ tục thủ công…
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, Cục hiện đã và đang triển khai 12 phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý chuyên ngành, ứng dụng từ quản lý điều hành công việc văn phòng đến quản lý hạ tầng luồng tuyến, cảng bến. Trong điều hành công việc, các văn bản đi, đến, báo cáo hay giao việc đều được xử lý online qua mạng trực tuyến, nhằm minh bạch nội dung và thời gian. Ứng dụng công nghệ cũng giúp Cục nắm bắt kịp thời sự thay đổi về hạ tầng đường thủy cũng như sự lơi lỏng, chậm trễ của bộ phận trực tiếp quản lý. “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ là hướng đi cần thiết để đổi mới, tạo sự năng động trong bộ máy, từng đơn vị và tạo minh bạch, rõ trách nhiệm trong công tác quản lý và phục vụ doanh nghiệp, người dân” – Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết. Ông cũng cho biết, Cục đã lên kế hoạch đầu tư, ứng dụng CNTT đến năm 2020, với mục tiêu tạo môi trường làm việc trực tuyến, để cán bộ, công chức có thể làm việc hiệu quả mọi lúc, mọi nơi và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Trăn trở hiện đại hóa phương tiện
Bên cạnh chọn ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự đột phá, Cục Đường thủy nội địa VN cũng chọn lấy phương châm phục vụ doanh nghiệp làm tiêu chí đổi mới. Cùng với lập đường dây nóng có ghi âm để tiếp nhận thông tin, Cục cũng định kỳ mở hội nghị tiếp xúc để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp. Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm (Tiền Giang) và đại diện nhiều doanh nghiệp có chung nhận xét rằng Cục Đường thủy nội địa VN trong thời gian qua có sự đổi mới, rất tích cực tiếp xúc với các địa phương, lắng nghe doanh nghiệp và thường xuyên giải quyết kịp thời các trường hợp vướng mắc cho doanh nghiệp, chấn chỉnh cung cách quản lý trong bộ máy.
Quyết tâm hiện đại hóa lĩnh vực GTVT nội địa bằng ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại bước đầu tích cực, tuy nhiên theo Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, dù ngành GTVT đường thủy đã có những bước tiến sau 60 năm thành lập (11/8/1956- 11/8/2016) nhưng hiện tại so với nhiều nước và lĩnh vực khác, vẫn đậm tính chất thô sơ, từ vận hành, khai thác đến công tác quản lý. Trong xu thế ngành GTVT đang tái cơ cấu vận tải, phương tiện thủy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng và chủng loại. Thế nhưng khuyết điểm bộc lộ là tàu dù trọng tải hàng nghìn tấn nhưng việc vận hành, quản lý đều trực tiếp, thủ công, không có trang thiết bị an toàn trên buồng lái, không có thiết bị để cảnh báo tránh va chạm, cứu hộ, cứu nạn, thiết bị giám sát trên bờ để biết được hành trình của tàu, để điều động phương tiện... Và với 6.500 km đường thủy quốc gia, sẽ không thể đủ nhân công quản lý chặt từng con tàu, từng cảng bến để hạn chế thấp nhất tai nạn có thể xảy ra. Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng: “Về lâu dài, ngành đường thủy cần được Chính phủ quan tâm đầu tư để ứng dụng mạn mẽ khoa học, công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành giao thông. Để giải quyết vấn đề trên, Cục đã lập, đề xuất Bộ GTVT đề án Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa; đề xuất lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động tại 67 vị trí công trình cầu vượt sông trọng điểm”.
PV