Đầu tư chế biến thịt - lối ra bền vững cho người chăn nuôi

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 là khâu chế biến và phân phối sản phẩm của Việt Nam còn yếu. Do đó, để không xảy ra cuộc khủng hoảng tương tự, chúng ta phải tập trung khắc phục ngay điểm yếu này.

Cuối năm 2016 đầu năm 2017, nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn khiến ngành chăn nuôi điêu đứng, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã rơi vào cảnh nợ nần, phá sản. Trước tình thế này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp các địa phương, các thành phần kinh tế thực hiện nhiều giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn nên đã cơ bản giải quyết được vấn đề. Đến nay ngành chăn nuôi lợn đã ổn định và phát triển. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần quyết liệt thực hiện liên kết, chế biến và tiêu thụ. Đây là gốc của vấn đề.

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhận diện: Một trong khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông, dẫn đến vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, Việt Nam đã gặp phải một cuộc khủng hoảng thừa lợn mà hơn 10 năm gần đây mới gặp phải.

Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tập trung khắc phục các khâu còn tồn tại, nhất là vào khâu yếu nhất là chế biến như nói ở trên. Từ đó đến nay đã khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, cùng với các địa phương để khởi công, xây dựng các dự án chế biến hiện đại. “Trong năm 2017 và năm 2018, một số doanh nghiệp, một số dự án rất lớn đã tập trung vào giết mổ, chế biến thịt lợn gắn với liên kết; đặc biệt là Tập đoàn Masan, chỉ trong đúng 1 năm đã xây dựng xong nhà máy chế biến thịt lợn tại Hà Nam với công suất 1,4 triệu con lợn/năm, sẽ khánh thành vào ngày 23/12/2018. Có thể nói Masan là một điển hình trong lĩnh vực này" - Bộ trưởng Cường cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay vẫn có những nông dân còn nhu cầu sản xuất nhưng chúng ta chưa thể chuyển họ sang các thành phần khác ngay được. Do đó, thời gian tới ngành nông nghiệp phải hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải liên kết chặt chẽ hơn với người dân để hình thành mối liên kết. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phương thức tốt nhất là liên kết tùy hình thức, có nơi hợp tác ở phân khúc sản xuất lợn thương phẩm; có nơi hợp tác cùng với nhà đầu tư làm từ khâu giống. Mỗi địa phương, mỗi một quy mô cấp hộ cần có phương thức phù hợp để ngành hàng thịt lợn của Việt Nam đủ sức cạnh tranh.

"Hướng tới tổ chức sản xuất hiện đại, nhưng lại phù hợp với trình độ của Việt Nam, đó là quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang làm, để không bị ai phải bỏ lại phía sau. Chuyển đổi làm sao hợp lý, có trật tự để cùng phát triển, đây là mục tiêu của chúng ta" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói thêm.

Để doanh nghiệp có thể bắt tay với hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở đây, chính quyền địa phương như một “bà mối” để kết nối tìm ra các giải pháp từ tích tụ đất đai, chính sách hỗ trợ, dự kiến Hà Nam sẽ có các khu chăn nuôi tập trung sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Ông Trương Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, Hà Nam sẽ xây dựng một khu chăn nuôi tập trung khoảng 100.000 con. Trung tâm này phải đạt được 3 mục tiêu, vừa giải quyết sản phẩm chăn nuôi cho người nông dân, nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường và dịch bệnh an toàn”.

Ông Matthy Van Derlely - Tổng Giám đốc Masan Meat Hà Nam cho biết: “Người nông dân muốn tham gia với chúng tôi thì phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Họ phải tăng đầu tư để đạt được tiêu chuẩn của chúng tôi, từ con giống, cám ăn, điều kiện nuôi, cơ sở chuồng trại hiện đại, an toàn dịch bệnh. Chúng tôi mới sẵn sàng hợp tác đào tạo họ theo tiêu chuẩn của chúng tôi”.

Trang trại lợn của Masan tại Quỳ Hợp - Nghệ An.
Trang trại lợn của Masan tại Quỳ Hợp - Nghệ An.
Nhân viên của Công ty Masan Meat Hà Nam đóng gói, cân và dán nhãn chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Nhân viên của Công ty Masan Meat Hà Nam đóng gói, cân và dán nhãn chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Nhân viên của Masan Meat Hà Nam pha lóc thịt mát.
Nhân viên của Masan Meat Hà Nam pha lóc thịt mát.

Ông Trương Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Ông Trương Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với tỉnh Hà Nam rà soát để có thể thành lập một số vùng chuyên chăn nuôi, nhằm khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi có quy mô lớn hoặc hợp tác với nhau nhưng phải quản trị được để đảm bảo môi trường, liên kết tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

"Các doanh nghiệp cũng phải vào cuộc để tìm ra một phương thức hợp tác kinh tế với người nông dân như tự mình ứng ra con giống, thức ăn, phân công kỹ sư để hướng dẫn kỹ thuật; cùng với nhà nước để làm ra con lợn đúng quy chuẩn với một giá thành hợp lý nhất trên cơ sở người dân có việc làm; có nguyên liệu tốt nhất để đủ sức cạnh tranh. Nếu không có sự kết hợp chặt chẽ giữa các vùng, sẽ không đảm bảo an toàn dịch thì sẽ không có sản phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Nguyễn Dương