Làm giàu không khó:

Chống bán phá giá: Cây gậy và củ cà rốt

Cụm từ "chống bán phá giá" luôn khiến cho giới doanh nhân Việt Nam đau đầu vì họ gặp không ít rầy rà khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Thực ra từ khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, một số doanh nghiệp đã từng được nếm "củ cà rốt" và cũng chịu những "đòn gậy" từ chính sách này.

Củ cà rốt

Đầu năm 2004, thị trường gỗ thế giới có sự biến động lớn. Đồ gỗ xuất khẩu của Canada và Trung Quốc vào thị trường Mỹ bị buộc tội bán phá giá. Nhu cầu về sản phẩm này trở nên khan hiếm trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam lúc này đã bắt đầu tạo dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng tại đây.

Chớp thời cơ này, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tăng tốc độ sản xuất để kịp thời đáp ứng cho việc xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi, Australia, Uruguay... nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Nhờ thế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của riêng sản phẩm gỗ chế biến đã đạt 561 triệu USD, tương đương với mức kim ngạch của cả năm 2003 mà ngành này đã thực hiện. Mục tiêu của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt ra là xuất khẩu 1 tỉ USD vào năm 2010 đã đạt được ngay trong năm 2004!

Tránh khỏi đòn gậy

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) là một công ty xuất khẩu cá tra và cá ba sa sang thị trường Mỹ.

Khó khăn lớn đến với Agifish khi Hiệp hội cá da trơn Mỹ khởi kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa và cá tra vào thị trường này. Mặc dù lúc này, tiếng tăm của con cá “Ba sa Mêkông” đã nổi tiếng khắp thế giới nhưng doanh thu của Công ty vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Đó cũng là tình trạng chung của cả ngành xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.

Lối thoát của doanh nghiệp nằm ngay trong con cá. Trong khi Mỹ đang tập trung vào vụ kiện và tìm bằng chứng để chứng minh Việt Nam bán phá giá trên thị trường Mỹ thì việc tiêu thụ cá tra và cá ba sa Việt Nam đã có một lối thoát bất ngờ. Đó là chế biến con cá để tận dụng mọi sản phẩm mà con cá có thể tạo ra. Với những sản phẩm đó, con cá của Việt Nam vẫn đến được với những thị trường mới hơn, rộng hơn, xa hơn và mang lại nhiều lợi nhuận thay vì những thùng cá philê.

Bây giờ thì hàng phi-lê, hàng giá trị gia tăng, hàng phụ phẩm từ cá tra, cá ba sa của Agifish đang bán khắp nơi. Thị trường châu Âu chiếm 45%, Mỹ 25%, còn lại là châu Á và Úc. Năm 2004, Agifish đạt kim ngạch xuất khẩu 48 triệu USD, trong đó 30% từ hàng giá trị gia tăng. Agifish đang làm hơn 100 mặt hàng tinh chế có mã số; nhiều bà nội trợ trong nước đi siêu thị đã quen xài các món hàng này.

Tập để quen và đối phó với các đơn kiện chống bán phá giá ở thị trường nước ngoài là điều không thể thiếu với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra hai kinh nghiệm xuất nhập khẩu được rút ra từ chương trình Làm giàu không khó? (hiện tới phiên bản 2 - Đường tới thành công, có thể xem trên www.mquiz.net) ở trên còn cho thấy linh hoạt trong kinh doanh, luôn tìm kiếm cơ hội không những là cách để tránh được khó khăn mà còn là đà để phát triển.

Hồng Dương