Câu chuyện quả trứng vàng của Colombus

(Dân trí) - Vào dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất 2006, trên VTV1 xuất hiện một chương trình có cái tên rất ấn tượng “Làm giàu không khó”. Gần 1 năm trôi đi, lời khen đối với chương trình này cũng nhiều mà lời ra tiếng vào cũng không ít.

Có người cho rằng chương trình không thể kéo hết năm 2006 vì “chẳng ai lại học cách làm giàu ở những chương trình như thế cả”. Vậy nhưng chương trình nào có dừng lại. Hơn thế, cuối 2006 bước qua 2007 “Làm giàu không khó” tiếp tục xuất hiện trên truyền hình VN (VTV1) với phiên bản mới mang tên “Đường tới thành công” với không khí sôi động từ sinh viên của nhiều trường Đại học cùng tham gia.

Với phiên bải 2 “Đường tới thành công”, Tổ hợp thị trường Hoàng gia VN, đơn vị xây dựng nội dung và sản xuất chương trình này, đã chính thức mời Dân trí điện tử cùng đồng hành với tư cách đơn vị “liên kết truyền thông” cho chương trình. Ông Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Tổ hợp thị trường Hoàng Gia VN, trong cuộc trò chuyện với Dân trí đã bật mí: “Không phải vô cớ mà tôi đề nghị Dân trí tham gia liên kết truyền thông cho chương trình... ”

So với nhiều tờ báo điện tử có bề dầy kinh nghiệm và số lượng bạn đọc truy cập rất đông đảo thì Dân trí đang còn rất mới. Vậy vì sao năm 2007, ông lại mời Dân trí cùng tham gia?

Thời lượng phát sóng “Làm giầu không khó: 19h50 thứ tư hàng tuần và phát lại vào 14h thứ sáu hàng tuần trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam. Thời lượng: 45phút/chương trình.

Tôi cũng rất thường xuyên đọc Dân trí. Cách tiếp cận và focus (chọn lọc, tập trung) các vấn đề của Dân trí rất dễ gần. Nội dung tập trung mà không tham quá nhiều các lĩnh vực. Vì vậy, người đọc báo dễ tìm thấy thứ mình cần. Hơn nữa, với tiêu trí truyền bá kiến thức thì tìm đến tờ báo của Hội Khuyến học là quá đúng.

Nhưng người tác động đến tôi ở điểm chót lại là vợ tôi. Cô ấy làm ở Samsung Vina và khi tôi hỏi anh định mời một tờ báo điện tử tham gia chương trình, cô ấy nói ngay: Anh nên mời Dân trí, vì ngày nào em và các đồng nghiệp của mình cũng  đọc tờ báo điện tử này và rất thích nó, cơ quan em hạn chế truy cập mạng, nhưng Dân trí thì lúc nào cũng vào được.

Theo tôi thì làm giầu rất khó. Chẳng ai làm giầu mà không lao tâm khổ tứ, thậm chí thất bại. Vậy tại sao ông lại lấy tên của chương trình là “Làm giàu không khó”?

Đã có một thời gian dài ở VN làm giàu là một điều cấm kỵ. Còn bây giờ thì ở VN đã xuất hiện rất nhiều doanh nhân thành đạt, làm giầu từ khả năng của chính mình. Làm giầu là  ước mơ, là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi ngươì, tất nhiên là làm giầu chính đáng.

Nếu xã hội ngày càng có nhiều người giầu thì đó là động lực cho xã hội phát triển. Và tôi cũng là người kinh doanh, tôi rất hiểu để trở nên giầu có một cách chân chính sẽ phải lao động thực sự, phải tâm huyết.

Và nếu biết áp dụng hệ thống giải pháp thị trường chuẩn thì thành công sẽ nhanh, và chắc chắn hơn rất nhiều. Chúng tôi xây dựng chương trình trước hết là để đánh thức khát vọng làm giầu của cộng đồng. Nếu có khát vọng, có lòng dũng cảm, biết học hỏi và có niềm tin chiến thắng, cộng với việc lắng nghe, áp dụng những phương pháp kinh doanh đúng đắn (trong chương trình và vô vàn những kinh nghiệm sống của thương trường) thì người ta không thể không trở nên giầu có.

Với “Làm giàu không khó” tôi cũng muốn tạo một sân chơi dễ dàng và hữu ích cho doanh nghiệp và cộng đồng, cũng qua đó phổ biến và trao đổi thêm nhiều kinh nghiệm và nghệ thuật làm giầu một cách nghiêm túc cho cộng đồng.

Chương trình khi xuất hiện có bị can thiệp không?

Quan tâm đặc biệt thì có, còn can thiệp thì không. Đây là chương trình đầu tiên mà VTV “mạnh tay” hợp tác để sản xuất với một công ty tư nhân (là hãng truyền thông Hoàng gia  thuộc tổ hợp thị trường Hoàng Gia Việt Nam của chúng tôi). Khi chương trình lên sóng được một thời gian, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí các vị lãnh đạo cao cấp cũng rất quan tâm nên đã yêu cầu và lắng nghe lãnh đạo VTV trình bày về nội dung, mục tiêu của chương trình.

Và bây giờ chương trình ngày càng được quan tâm và ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Bởi “Làm giàu không khó” đã đáp ứng đúng nhu cầu và xu thế của đất nước ta hiện nay.

Nếu lấy kinh nghiệm từ chính mình, ông thấy làm giầu có khó không?

Tôi xuất thân vốn là dân thuộc Bộ Thương mại. Tôi đã sống và làm việc ở nước ngoài khá lâu. Tháng 10/1995 tôi về nước và chung vốn lập công ty với một số đối tác trong nước. Tháng 3/1996 tôi sang lại Ba Lan, tháng 6 về nước trắng tay hoàn toàn và trở thành người làm thuê. Tôi đã nghiến răng, lao động quần quật với mức lương 1,1 triệu đồng/ tháng, âm thầm xâm nhập trở lại cộng đồng xã hội, gây dựng các mối quan hệ trong nước.

Tháng 2/1998, tôi quyết định gây dựng trở lại sự nghiệp. Tôi đi vay 2000 USD để mở công ty Quảng cáo Hoàng Gia vì lúc đó Sở Kế hoạch - Đầu tư còn chưa hiểu thế nào là giải pháp thị trường nên không cho mở, công ty lại hoạt động trong lĩnh vực rất lạ lùng là “giải pháp thị trường”.

Tất cả vốn liếng hồi ấy của tôi chỉ là mấy cái máy tính, máy in và 3 người cùng làm việc trong đó có tôi. Tôi thường xuyên làm việc đến 1-2 giờ sáng và chính tôi tham gia vào hầu hết các công đoạn của công việc.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã tự tuân thủ nghiêm ngặt nguyên lý của giải pháp thị trường cho công ty mình. Hoàng Gia Việt Nam chúng tôi đã xây dựng căn bản chiến lược phát triển ngay từ đó. Và đến nay, sau 8 năm thành lập, chúng tôi luôn đúng hẹn với các hoạch định phát triển của mình.

Quan điểm của tôi là đã làm cái gì phải thật chuyên nghiệp, bài bản, giữ được chữ tín. Chính vì những quan niệm đó tôi mới có thể có được thành công. Tôi đã làm giải pháp, xây dựng chiến lược thị trường cho nhiều khách hàng lớn như công ty May 10, Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội, Công ty thiết bị vệ sinh Việt Ý, công ty giấy Bãi Bằng, Tổng công ty thép Việt Nam...

Tóm lại, con đường làm giầu không thể nói là dễ dàng, nhưng nếu biết áp dụng giải pháp thị trường thì quả thực là không khó, và sẽ bền vững.

Ông có thể đưa ra thêm một vài ví dụ?

Ví dụ như thương hiệu Phở 24. Chỉ chưa đầy 2 năm, từ một ý tưởng là đưa món quốc hồn quốc túy của dân tộc lên tầm thế giới. của một “Ông tiến sĩ Lý Quý Trung đã nghiên cứu bài bản rồi quyết định mở một quán phở sang trọng có tên là Phở 24. Rồi tuần tự từng bước mô hình phở 24 quy chuẩn của Trung dần được nhân rộng theo nguyên lý nhượng quyền thương mại.

Đến nay Phở 24 đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, ra cả nước ngoài và trở nên nổi tiếng. Đã có tập đoàn nước ngoài đến đàm phán để mua lại thương hiệu này với giá cả vài triệu USD. Vậy bài học làm giầu ở đây là gì? Nếu xem chương trình “Làm giầu không khó”, các bạn sẽ thấy có những cái rất hữu ích cho mình.

Phải chăng “thị trường” là nỗi đam mê của anh?

Đúng là tôi có một nỗi đam mê trong lĩnh vực thị trường. Tôi học rất nhiều về thị trường, học một cách thực sự nghiêm túc. Ngay như bây giờ dù rất bận rộn, mỗi ngày tôi cũng cố đọc được khoảng 100 trang sách để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Vì sao tại phiên bản 2, anh lại lấy quả trứng Colombus làm biểu tượng chiến thắng?

Biểu tượng chiến thắng của Chương trình “Làm giàu không khó?” phiên bản 2 “Đường tới thành công” không phải vòng nguyệt quế, cúp thủy tinh, pha lê hay loại cúp mạ vàng, mạ bạc. Nó cũng không giống bất kỳ một cúp chiến thắng nào trong các chương trình từ trước tới nay.

Sự lý giải bắt nguồn từ câu chuyện về Quả trứng của nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới Colombus: Sau chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới với phát kiến vĩ đại rằng trái đất hình tròn, Colombus đã gây bất bình trong giới quý tộc. Họ cho rằng, không cần có Colombus bởi bất kỳ ai nếu cứ đi mãi thì cũng phát hiện ra trái đất tròn.

Nghe nói vậy, Colombus liền rút trong túi ra một quả trứng và đố mọi người dựng được quả trứng đứng lên. Thử đủ mọi cách nhưng không ai dựng được quả trứng như yêu cầu. Colombus liền đập bẹp một đầu quả trứng và dễ dàng dựng đứng nó. Phản ứng của các nhà quý tộc lúc đó càng dữ dội, họ cho rằng việc đó đơn giản đến mức ai cũng làm được. Lúc ấy, Christoper Colombus mới từ tốn mà nói rằng “Đúng! Ai cũng có thể làm được, vấn đề là có ai nghĩ được ra để mà làm không?”.

Câu nói của Colombus đã trở thành tuyên ngôn của ngành giải pháp thị trường. Thông điệp từ câu chuyện này là việc khó không có nghĩa là không thể làm được. Giải pháp luôn ở xung quanh chúng ta, vấn đề là ai nghĩ ra giải pháp đó mà thôi.

Trong phiên bản 2, anh lấy tiêu chí là “Đường tới thành công”, vậy tiêu chí này khác với phiên bản 1 năm 2006 như thế nào?

Giai đoạn 2 của Làm giàu không khó sẽ được xây dựng trên cơ sở có tính tương tác cao, gần gũi, dễ hiểu và sôi động, cuốn hút hơn đối với cộng đồng. Để đạt được mục đích đó, Phiên bản 2 sẽ được xây dựng dưới hình thức thi đấu với sự tham gia thi đấu của các đội chơi là sinh viên kinh tế đến từ các trường đại học trên toàn quốc.

Sẽ có những tấm gương được nêu trong đề bài là những doanh nhân, doanh nghiệp có thực với các tình huống kinh doanh thực tế đang làm ăn tại Việt Nam, có thể dễ dàng kiểm chứng được. Ở vòng thi Rubic ý tưởng, các bạn sinh viên sẽ đặt mình vào tình huống khó khăn có thực mà doanh nhân, doanh nghiệp đã trải qua để tìm giải pháp phù hợp giải quyết tình huống khó khăn đó.

Thông qua tình huống này, các bạn được tiếp xúc với đời sống kinh doanh thực tế, tự kiểm nghiệm kiến thức và khả năng ứng xử trong kinh doanh của mình.

Ông tin “Làm giàu không khó” phiên bản 2 sẽ thành công?

Chắc chắn là thành công. Phiên bản 1 đã thành công để vượt ra ngoài một chương trình truyền hình để hình thành nên một diễn đàn giải pháp thị trường trực tuyến, một khối cộng đồng doanh nhân có tên gọi MFO là những doanh nhân yêu thích kinh doanh bài bản để phát triển bền vững.

Còn phiên bản 2, với sự hưởng ứng nhiệt tình và đồng thuận của 52 trường đại học khối kinh tế trên cả nước chương trình ngày một sôi động và thiết thực. Hiện nay chương trình thu hút ngày càng mạnh các doanh nghiệp, doanh nhân. Làm giàu không khó đang đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, lại được làm nghiêm túc, kỹ lưỡng. Vậy thì làm sao lại không thành công?

Xin cám ơn ông

Đức Trung (thực hiện)