Cần nguồn vốn đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi

(Dân trí) - Ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi đang là vấn đề nóng đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra

Những năm gần đây, chăn nuôi Việt Nam có sự phát triển cả về quy mô và giá trị. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi lợn với khoảng 4 triệu hộ và chăn nuôi gia cầm là khoảng 8 triệu hộ với tổng đàn 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn, 8 triệu con trâu bò. Mỗi năm, khối lượng chất thải chăn nuôi khoảng 84,5 triệu tấn thải rắn và 50 triệu m³ chất thải lỏng. Trong đó, chỉ có khoảng 60% được xử lý bằng nhiều biện pháp, số còn lại vẫn xả trực tiếp ra môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, phát thải khí nhà kính, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của con người và vật nuôi.

Theo khảo sát, các trang trại quy mô vừa và lớn, ngay khi bắt đầu chăn nuôi đều nghĩ đến việc phải xử lý nguồn chất thải của gia súc, gia cầm. Một số giải pháp được các trang trại áp dụng phổ biến: Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do các trang trại chăn nuôi tăng đàn do đó nạp quá nhiều chất thải vào công trình khí sinh học trong khi đó thể tích hầm khí sinh học cố định dẫn đến không xử lý hết được chất thải, người sử dụng chưa vận hành, bảo dưỡng theo đúng hướng dẫn

Ông Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Dự án LCASP
Ông Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Dự án LCASP

Theo ông Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp cho biết: “Thực tế cho thấy nhiều chủ trang trại không sẵn sàng bỏ chi phí cho vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hầm khí sinh học quy mô lớn để đảm bảo hiệu quả xử lý môi trường vì hầm này không đem lại hiệu quả kinh tế cho họ. Chính vì thế mà Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp đã đặt mục tiêu tìm kiếm nghiên cứu và chuyển giao những công nghệ vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi vừa đem lại lợi nhuận, có lợi nhuận sẽ giúp chủ trang trại chủ động đầu tư xử lý môi trường một cách hiệu quả và bền vững.

Thời gian vừa qua, Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp đã giới thiệu 03 loại công nghệ cho các chủ trang trại là: Công nghệ máy tách ép phân, công nghệ máy phát điện khí sinh học quy mô lớn và công nghệ sử dụng hệ thống tưới bằng nước thải sau bioga. Kết quả ban đầu thực hiện các mô hình của Dự án là hết sức khả quan: Đầu tư máy tách phân ở các trang trại tối thiểu 2000 heo hoặc trang trại bò có lượng chất thải tương đương; Đầu tư máy phát điện cho các trang trại có nhu cầu sử dụng điện tối thiểu 30 triệu đồng/ tháng; và Đầu tư hệ thống sử dụng nước thải sau bioga để tưới cho cây trồng ở những trang trại có diện tích trồng trọt lân cận đủ lớn, sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận tối thiểu là 20% một năm. Tùy theo thực tế của từng trang trại có thể áp dụng 1, 2 hoặc cả 3 công nghệ nói trên nhằm đem lại lợi ích kinh tế và hiệu quả xử lý môi trường bền vững”.

Cần vốn để đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện

Mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Chính vì vậy, Dự án LCASP cũng đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.

Sau thời gian thử nghiệm, các công nghệ trên đã mang đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích, cả về môi trường và kinh tế. Mặc dù mang lại lợi nhuận cho bà con chăn nuôi nhưng số vốn đầu tư ban đầu lại không nhỏ. Rất nhiều trang trại muốn áp dụng mô hình này để vừa xử lý vấn đề môi trường, vừa có thêm thu nhập từ tiền bán phân hữu cơ… nhưng không có vốn nên “lực bất tòng tâm”.

Hầu hết các trang trại chăn nuôi khi được hỏi, đều trả lời sẽ sẵn sàng đầu tư để xử lý môi trường nếu có vốn.

Ông Trương Công Việt, xã Thành Nhật, huyện Tôi Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tôi có làm hầm biogas từ năm 2013, với thể tích trên 25 m3. Tôi thấy vừa tiết kiệm được chi phí điện do sử dụng khí sinh học cho đun nấu, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Tôi rất muốn áp dụng mô hình LCASP để xử lý chất thải chăn nuôi với hệ thống máy tách ép, máy phát điện... nhưng chưa có vốn. Nếu được vay vốn tôi sẵn sàng làm”.

Ông Trương Công Việt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang
Ông Trương Công Việt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang

Có thể thấy điểm ưu việt của giải pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi mà dự án LCASP đưa ra đó chính là: Tạo ra lợi nhuận kinh tế từ nguồn chất thải chăn nuôi. Và “Động lực về kinh tế là động lực lớn nhất giúp các chủ trang trại đầu tư vào xử lý môi trường hiệu quả và bền vững” – TS Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp chia sẻ.

Nếu bài toán về vốn được giải quyết, mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi được lan tỏa, lúc ấy ô nhiễm môi trường không còn là vấn đề đáng lo ngại với ngành chăn nuôi.

Thông tin liên hệ để được hỗ trợ:

DỰ ÁN "HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP CÁC BON THẤP"

Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà Liên Cơ 02, Số 16 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 024.37920062 – 0913247782

Fax: 024.37920060 - Email: nguyenthe.hinh@gmail.com