Bình đẳng giới sẽ khiến việc kinh doanh hiệu quả hơn

(Dân trí) - “Nếu có hai người, một nam và một nữ ứng tuyển vào vị trí lãnh đạo của Việt Á, năng lực của họ ngang nhau thì chúng tôi sẽ chọn ứng viên là nữ. Đây là một trong nhiều cách để chúng tôi tạo ra sự bình đẳng giới”, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Việt Á cho biết.

Với cuộc hội thảo “Bình đẳng giới trong phát triển bền vững” vừa tổ chức mới đây, Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á là doanh nghiệp đầu tiên tại Hà Nội có những hoạt động cụ thể thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

 

Theo bà Loan, dù ở Việt Nam đã có luật về Bình đẳng giới và đã có một số tiến bộ nhất định nhưng sự bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn thể hiện khá rõ trên nhiều mặt, nhất là trong hoạt động kinh doanh. Tại các doanh nghiệp lớn hiện nay, kể cả nhà nước lẫn tư nhân, có rất ít phụ nữ ngồi ở vị trí lãnh đạo các cấp. Trên nhiều khu vực kinh tế, ngành nghề, nhìn chung người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Điều kiện phát huy sức sáng tạo của lao động nữ còn hạn chế, ít có cơ hội học tập để thăng tiến. Họ lại bận sinh đẻ, nuôi con, nội trợ gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội vẫn còn nặng nề… Đó cũng là những nguyên nhân khiến thu nhập của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới.

 

“Để phụ nữ được bình đẳng với nam giới thì người phụ nữ phải tự vượt lên trên bản thân, làm tốt cả hai vai - công việc và gia đình. Tuy nhiên để làm được điều đó phải có sự hậu thuẫn từ gia đình và sự tạo điều kiện của cơ quan” - bà Loan chia sẻ.

 

Do đó, Tập đoàn Việt Á đã quyết định coi việc thực hiện bình đẳng giới là một mục tiêu chiến lược lâu dài với hàng loạt biện pháp can thiệp để thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề trang bị kiến thức về giới và bình đẳng giới cho cán bộ, công nhân viên trong công ty. Thực hiện bình đẳng giới còn được lồng ghép trong nhiều cơ chế, chính sách của Tập đoàn, chẳng hạn về chế độ lao động, tiền lương, theo đó  không có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới.

 

Được biết, Tập đoàn Việt Á là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh thiết bị điện, cơ khí, bao gồm 12 công ty với trên 1.200 lao động, trong đó có 300 là lao động  nữ. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng nhưng bà Loan cho rằng, vai trò của nữ giới cần phải được thể hiện nhiều hơn. Theo đó, trong thời gian tới, nữ giới sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm. N giới sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng, giám sát, đánh giá kế hoạch sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

 

Mối liên hệ giữa công việc và gia đình cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động lồng ghép. Do đặc thù công việc nên đối với các cán bộ của Việt Á, cả nam và nữ khi phải đi công tác xa nhà được tạo điều kiện để họ tổ chức cuộc sống gia đình hành phúc. Ngoài ra, các công ty  thường xuyên tổ các buổi sinh hoạt công động, để các gia đình có sự giao lưu, để chồng biết về công việc của vợ và ngược lại.

 

“Trong việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay, nhiều người cứ nghĩ đó là đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ nhưng không phải, bình đẳng giới là tạo điều kiện để cả hai giới cùng phát triển và thông hiểu nhau. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân của mỗi cá nhân mà còn cho cả tập đoàn” - bà Loan bày tỏ quan điểm.

 

Thái Sơn