Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý của Việt Nam

Ngân hàng TMCP Bắc Á đã quyết định tư vấn đầu tư cho dự án dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất tại chỗ tại Nghệ An, cung cấp các sản phẩm: thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, spa và chăm sóc sức khỏe.

Nước ta có “rừng vàng” với nhiều loại gỗ và dược liệu quý. Trong hội nghị phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia năm 2010, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết đã có thời điểm Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu từ vài trăm tấn đến hàng nghìn tấn sản phẩm dược liệu như quế, hồi, thảo quả, hòe, địa liền, hương nhu, ích mẫu, atisô, đương quy, địa hoàng, bạch chỉ, bạch truật, bạc hà...
 
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng và khai thác tràn lan đang dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý của Việt Nam. Người dân vẫn coi cây thuốc là nguồn tài nguyên vô tận, do đó, họ khai thác tận thu, bán tràn lan từ lá đến rễ, làm cho cây thuốc rất khó tái sinh. Cây thuốc được buôn bán qua biên giới với giá rẻ, nhưng chúng ta phải nhập dược liệu từ nước ngoài với một mức giá rất khác. Hiện nay, 85% dược liệu để sản xuất đông dược trong nước được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, và thanh tra Bộ Y tế từng xác nhận hiện tượng dược liệu bị chiết xuất bớt dược chất, chỉ còn là xác được nhập về Việt Nam. Không ít doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu cổ truyền điêu đứng vì sự lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu.
 
Trong khi đó, người dân Việt Nam có truyền thống sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền và các bài thuốc dân gian để điều trị bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Các trung tâm điều trị bằng y học cổ truyền có mặt tại khắp các tỉnh thành trên mọi miền đất nước và rất đông bệnh nhân tìm đến, chứng tỏ nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền rất lớn. Nhưng hiện nay, các công ty chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu, nhất là dược liệu sạch và chất lượng. Theo điều tra của Viện Dược liệu – Bộ Y tế, trong tổng số 3.948 loài cây thuốc, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong rừng, chỉ có gần 10% là cây thuốc trồng.
 
Rõ ràng, chúng ta không thể trông cậy vào nguồn đông dược thu hái tự nhiên và để dứt bỏ sự lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu, các công ty dược Việt Nam đã và đang gây dựng lại những vùng nguyên liệu dược cổ truyền để chủ động và vững vàng bước đi trong chiến lược phát triển ngành đông dược hiện đại.
 
Từ thực tế đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á đã quyết định tư vấn đầu tư cho dự án dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất tại chỗ tại Nghệ An, cung cấp các sản phẩm: thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, spa và chăm sóc sức khỏe.
 
Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý của Việt Nam - 1
Trụ sở chính của ngân hàng Bắc Á
 
Ngân hàng Bắc Á cũng đang tiến hành tư vấn đầu tư dự án thành lập Viện nghiên cứu và phát triển giống dược liệu như một nơi có thể triển khai các kết quả nghiên cứu của các viện, trường, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực dược liệu. Đi kèm Viện là mô hình trồng dược liệu ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát và xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, đồng thời, sáp nhập một số nông, lâm trường trên địa bàn để cùng trồng vùng cây thuốc tập trung và xen canh dưới tán rừng. Mô hình này sẽ gia tăng giá trị cho dược liệu, bảo vệ rừng, đồng thời tận thu sản lượng cho nông dân, giúp cải thiện đời sống của họ.
 
Dự án này không chỉ giúp cải thiện đời sống nhân dân địa phương, bảo tồn được các cây thuốc quý hiếm, bảo vệ rừng và môi trường sống mà còn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho nhà đầu tư.
 
Tiếp nối và tôn vinh tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh từ hơn sáu thế kỷ trước, hướng tư vấn đầu tư của Ngân hàng Bắc Á đã mở ra hy vọng mới, về một tương lai Việt Nam trở lại vị trí của mình trên bản đồ dược liệu thế giới. Việc tư vấn đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm sạch cũng hoàn toàn phù hợp với triết lý kinh doanh và chiến lược tư vấn đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích an sinh xã hội và tạo ra các giá trị cốt lõi, bền vững.
 
Minh Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm