Áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gấp hàng chục lần
(Dân trí) - Chỉ một cái chớp mắt, mọi thông tin, dữ liệu khách hàng đã được máy scan đưa vào máy tính. So với trước đây phải nhập tay mất rất nhiều thời gian thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giúp nhiều DN cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh doanh.
Hiện nay, nhiều công ty làm trong các lĩnh vực cần nhập giấy tờ, hồ sơ, chứng minh thư,…của hàng nghìn khách hàng mỗi ngày. Nếu nhập số liệu thủ công kiểu cũ sẽ rất mất thời gian, hiệu quả công việc không cao.
Nhưng hiện nay, nhiều DN đã đưa ra những công nghệ mới như “Nhận dạng bóc tách tự động” để lấy thông tin. Sau 3s, mọi thông tin đã được đưa vào máy, tiết kiệm so với việc nhập thông tin bằng tay gấp mấy chục lần.
Điểm hạn chế là chưa có công nghệ nhận dạng chữ viết tay. Nhưng các mẫu khai thông tin của khách hàng sẽ được thiết kế để hạn chế phải viết nhất, nếu phải viết thì sẽ được định dạng dưới các ô kí tự và chữ phải viết hoa.
Vướng mắc về chi phí để áp dụng các công nghệ mới vào vận hành của DN là khá lớn. Tuy nhiên hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này nên chi phí cho các phần mềm quản lý có giá khá cạnh tranh.
Ngay như chiếc máy scan bóc tách thông tin tự động chỉ có giá vài trăm nghìn đồng đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức. Việc triển khai số lượng lớn với nhiều DN không phải điều khó khăn.
Thậm chí dần dần, không cần máy scan mà chỉ cần chụp bằng điện thoại có tích hợp công cụ bóc tách dữ liệu là được. Những sản phẩm công nghệ này đang được rất nhiều DN viễn thông, ngân hàng sử dụng để giảm thời gian chờ đợi của khách hàng đi một cách đáng kể.
Khi được hỏi về việc có sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc vận hành DN, anh Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Phúc Hiệp (Hà Nam) đến tham dự hội thảo “Cơ hội và Thách thức của các Doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0” cho biết: “Ở Hà Nam hiện nay, 90% các DN đã áp dụng công nghệ số.”
“Tôi đã triển khai việc áp dụng công nghệ quản lý báo cáo thuế, nợ công, theo dõi các văn bản chính sách mới,…từ cách đây 6 năm. Mức chi phí trung bình 7 triệu mua lúc đầu và một ít chi phí nâng cấp là rất hợp lý so với những gì nó mang lại”, anh Hiệp cho biết thêm.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện có rất nhiều cấp độ, tuy mới thực sự được triển khai nhiều 1 - 2 năm gần đây nhưng việc sử dụng máy scan 3D đang rất được nhiều DN ưa chuộng, nhất là các DN trong lĩnh vực xây dựng.
Chia sẻ về công nghệ này, anh Đoàn Huy Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư TM và Phát triển Công nghệ FSI cho biết: “Với sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như máy in, máy quét 3D thì hiện Việt Nam vẫn chưa sản xuất được. Trước đây, sản phẩm này ở Việt Nam thường chỉ phục vụ cho các công trình nghiên cứu của Chính phủ.”
“Như dự án dựng lại cổng Đoan Môn ở Hoàng thành Thăng Long bằng hình vẽ 3D tôi đang tư vấn. Trước đây, cách làm cũ là phải thuê chuyên gia đến đo và vẽ bằng tay lại vào phần mềm máy tính rất mất thời gian mà độ chính xác chưa thực sự cao”, anh Thuận nói.
Nhưng hiện nay, theo anh Thuận: “Đã có thể dùng máy quét với tia laser quét toàn bộ chi tiết vật thể và đưa vào phần mềm. Tỷ lệ chính xác gần như 100%, các chi tiết nghi bị sai chỉ cần quét lại và tự động được cập nhật và chỉnh sửa trong máy tính.”
“Nhiều DN ở Việt Nam đã nhìn ra được sự hữu ích của việc áp dụng công nghệ này vào xây dựng. Nên họ đã áp dụng máy quét và máy in 3D vào việc mô phỏng kiến trúc toà nhà, chi tiết căn hộ, làm đường,…”, anh Thuận chia sẻ thêm.
Cũng trong hội thảo, ông Lê Phụng Thắng - Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết: “Trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi DN muốn nhanh chóng phát triển và dẫn dầu, cần làm chủ được các công nghệ ứng dụng cho doanh nghiệp mình. Đồng thời, không nghừng tìm hiểu để cập nhật những xu hướng công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.”
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang cải biến các doanh nghiệp và các quốc gia một cách nhanh chóng và được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ KH&CN tiên tiến”, ông Thắng nói.
Chính vì thế, các giải pháp về công nghệ được trình bày trong hội thảo như: giải pháp điện toán đám mây, nền tảng công nghệ chuyển đối số, hay công nghệ số hóa,… do các nhà cung cấp tại Việt Nam nghiên cứu, triển khai được coi như là một trong các giải pháp thiết thực trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Thế Hưng