Bạn đọc viết:

Xuân về trên dòng Thạch Hãn

(Dân trí) - Tết năm nào tiết trời Quảng Trị cũng rét hoặc mưa lất phất. Thế mà năm nay, đã 29 (là 30 vì tháng thiếu) mà trời vẫn hửng nắng. Trên dòng Thạch Hãn, xuân về nhẹ nhàng, bình yên như những gợn sóng ngập ngừng dòng mặn - ngọt theo hai buổi triều lên.

(ảnh: Cao Minh, theo: Panoramio.com)
(ảnh: Cao Minh, theo: Panoramio.com)

 

Quê nội nó nằm sát triền sông, cách bờ sông độ trăm bước đi bộ. Nhớ ngày nhỏ, khi chưa có cây cầu An Mô bây giờ, mỗi lần về nội là phải ngồi đò qua sông. Nhắc chuyện ngồi đò mà nhớ cái Tết năm nó bốn tuổi, hai cha con về nội. Ba đặt nó ngồi trên mũi thuyền rồi quay lên bờ lấy thêm đồ. Ông cụ chèo đò mắt kém, chẳng thấy nó ngồi lọt thỏm trước mũi nên cứ thế đẩy đò ra. Bũm một cái, nó rơi nhẹ nhàng xuống sông như người ta ném một cục đá nhỏ. Linh tính sao đó, ba quay lại không thấy nên lặn một hơi túm nó lên.
 
Cho đến bây giờ, nó vẫn còn nhớ hình ảnh những cọng rong rêu và cái vị nước mằn mặn, ngai ngái của sông năm ấy. Về nhà, nội lập cập đi thắp hương, khấn vái ông bà, khấn vái thần sông và các anh ở dưới.  Nghe nội nói với ba “Chắc thấy con nít nên mấy anh trêu thôi.”

 

Con đường vào nhà nội cũng lắm gian nan. Mưa, lạnh, bùn đất ngập trên mắt cá chân. Nó nhớ Tết năm nào nó và thằng em cũng tí ta tí tởn, chẳng chịu để mẹ bồng cho khỏi té. Cứ thích cái cảm giác tự mình đi, mím môi mím lợi, rón rén bước từng bước để vào cổng, để í ới kêu: “Nội ơi, con về rồi”. Thế nhưng chưa tới cổng đã ngã cái oạch, áo quần mới đẹp đẽ vậy là lấm lem hết.

 

Nội vừa đón cháu đã lo lấy nước vụt áo rồi hong trên bếp lửa. Lạ thay cái mùi áo quần hong trên bếp ấy dù oi oi mùi khói, nó vẫn thấy rất thơm, cảm giác rất dễ chịu chứ đâu như những mùi thơm tho xa lạ của các loại nước xả bây chừ.

 

Áo quần vừa được nội hong khô,  nó đã lại xúng xính mang vào, lon ton theo mấy anh chị ra triền sông, mỏi mắt tìm ốc. Chốc sau, nghe tiếng nội la trên bờ vì cái tội dám ra sông mà không xin phép người lớn và “Tết nhất, thiếu chi mà đi kiếm ốc ăn?”, mấy anh em luống cuống lên bờ, xúm vào ôm nội, đứa này hôn tay, đứa kia hôn má, rỉ rả một hồi là nội quên mất phải rầy la chúng ra sao.

 

Đôi khi, nó thỏ thẻ hỏi nội những chuyện về sông. Nó thích nghe và thèm nghe những câu chuyện thuộc về quá vãng của nội.  Mỗi độ Tết về, nội hay thắp nhang cho mấy anh, nội nói: “Mấy anh, mấy chú nằm dưới lạnh lẽo, tủi hờn lắm. Tết về, ai cũng sum vầy, gần quê hương, cha mẹ... Thế mà các chú, các anh vì đất nước đã thiệt thòi biết mấy...”

 

Đã hai mùa Tết vắng nội, nội “đi gặp ông” khi còn chưa kịp kể cho nó nghe hết thảy bao chuyện về sông, những chuyện mà có đi tìm bao nhiêu sách cũng chưa chắc đã có. Lại ước, giá như nó nghe nhiều hơn để hiểu người nhiều hơn, hiểu vì sao người chỉ muốn ở đây, chứ chẳng đi đâu xa được nửa tháng, mươi ngày.

 

Tết về, lại đảo mắt quanh nhà, thấy đâu đây vẫn như còn lưu giữ hình bóng của nội.  Bất giác như nghe cả tiếng dép lẹp xẹp dưới góc bếp, cả tiếng húng hắng ho và tiếng ngoáy trầu. Bầu không khí cũng như vẫn phảng phất mùi trầu ấm nồng, quen thuộc của nội.

 

Phía bên kia sông những vườn cúc, vườn vạn thọ vàng rực, đẹp như mơ. Luống cải nhà ai tươi non, xanh phơi phới một góc sông tựa như chân trời đã hóa thân thành màu xanh lá. Thấp thoáng bóng vài nông dân vẫn đang cần mẫn nhổ cỏ, bắt sâu trên cọng diếp cá xanh non…

 

Tết về rộn ràng, xôm tụ ở đâu không hay chứ ở đây mọi thứ vẫn trầm trầm như thế. Khác chăng là đôi lúc lác đác vài người con xa quê gồng gánh, tay xách nách mang trở về tíu tít chào hỏi từ đầu làng. Dòng Thạch Hãn vẫn trầm lắng, hiền hòa, lặng lẽ chảy trôi mặc cho thế sự đổi thay…

 

Giao thừa này, lại thấy ai đó đứng lặng bên sông, thả vòng hoa cho những người đã thành thiên cổ… 

Diệu Ái