Vì sao nhiều “ông lớn” không còn là nơi làm việc trong mơ?

Ngay trong tháng kết thúc năm 2019, Google và Facebook là hai hãng công nghệ vốn nhiều năm qua luôn là nơi làm việc mơ ước của người lao động đặc biệt là giới trẻ, đã không thể còn giữ được vị trí nằm trong Top 10 nơi làm việc mơ ước.

Vì sao nhiều “ông lớn” không còn là nơi làm việc trong mơ? - 1

Amazon đưa vào sử dụng trụ sở làm việc Spheres tại Seatle, bang Washington (Mỹ) với chi phí xây dựng 4 tỉ USD, thế nhưng không được bình chọn vào Top 10 nơi làm việc tốt nhất 12 năm qua (ảnh: AP).

Khi các “ông lớn” đang mất dần hấp lực…

Cả Google và Facebook đều bị “đá văng” khỏi Top 10 nơi làm việc đáng mơ ước nhất tại Mỹ là kết quả nghiên cứu được công bố dạo cuối năm 2019.

Nhưng cần nhìn rộng ra bởi không chỉ có hai cái tên trên, cho dù trường hợp Facebook là đáng nói nhất, vì từng 3 lần được đánh giá là nơi làm việc tốt nhất trong 10 năm qua. Nhưng từ khi xảy ra scandal rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng cho bên thứ ba là Cambridge Analytica rồi sau đó kéo theo rất nhiều chuyện nội tình bị phơi bày, Facebook đã bị đánh xuống một cách thảm hại khi bị nhìn là một môi trường làm việc khắc nghiệt, bị đẩy từ vị trí thứ 7 năm 2018 xuống vị trí thứ 23 của năm 2019.

Một “ông lớn” khác được xem là sáng tạo ra các chuẩn mực của ngành điện thoại di động là Apple, thậm chí dường như chưa bao giờ lọt vào Top 10. Năm 2019, Apple xếp ở vị trí cực kì “khó ưa” là 84 cho dù người lao động làm việc tại Apple có mức thu nhập thuộc loại khá ở Mỹ.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có một môi trường làm việc tốt. Hay nói cách khác, người lao động “cắn răng” chịu đựng môi trường làm việc khắc nghiệt để có việc làm ổn định và thu nhập kha khá.

Cái tên số 1 về thương mại điện tử và điện toán đám mây là Amazon, thậm chí có đến 12 năm liên tiếp không lọt được vào Top 10 nơi làm việc tốt nhất tại Mỹ.

Đánh đổi vì tăng trưởng?

Tất nhiên, đánh giá tại Mỹ có thể sẽ rất khác với đánh giá tại các quốc gia khác về môi trường làm việc ở các tập đoàn trên. Các tập đoàn đa quốc gia sẽ áp dụng những nguyên tắc quản lí chung mang tính toàn cầu, tuy nhiên áp lực công việc từng nơi có thể không giống nhau. Và cho dù là “ông lớn” toàn cầu nhưng đến các quốc gia khác cũng phải thích ghi để địa phương hóa với văn hóa sở tại.

Thứ nữa, làm việc tại các văn phòng hay chi nhánh của Google, Facebook tại các quốc gia, việc xa “mặt trời” có thể giúp cho nhân viên cảm thấy đỡ áp lực và ngột ngạt hơn. Mặt khác, khi chuẩn môi trường làm việc ở nhiều quốc gia nói chung còn thấp hơn ở Mỹ thì nhân viên cũng đa phần cảm nhận theo hướng tích cực hơn.

Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là, trong vài năm trở lại đây, nhiều “ông lớn” công nghệ của Mỹ đã xảy ra hay để lộ quá nhiều vấn đề trong môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp.

Vì sao nhiều “ông lớn” không còn là nơi làm việc trong mơ? - 2

Văn phòng làm việc của Google Châu Á - Thái Bình Dương đặt tại Singapore (ảnh: Hải Đăng).

Một Apple nổi tiếng khắc nghiệt như chính tính cách người sáng lập quá cố là Steve Jobs. Một công ty khởi nghiệp số 1 thế giới về vốn hóa là Uber (định giá 70 tỉ USD) lại xảy ra nhiều tình trạng kì thị, phân biệt đối xử. Trong khi tại Google hay Facebook, tình trạng quấy rối tình dục đã xảy ra và các quyết định đưa ra về quản lí lao động thiếu dân chủ, không được lòng đa số người lao động.

Trong tất cả các vấn đề, có những việc xảy ra ngoài ý muốn của ban lãnh đạo công ty. Song cũng có những việc xảy ra, theo chú ý của họ, nằm trong tiến trình nhằm tiết giảm chi phí hay nhằm thúc đẩy cạnh tranh, và người lao động chứ không phải ai khác sẽ là đối tượng bị đụng chạm đầu tiên.

Nói thế không có nghĩa là môi trường làm việc tại Google, Facebook, Apple, Amazon… đang quá tệ hại. Chỉ là, người ta đã bày tỏ sự thất vọng thông qua nghiên cứu khảo sát trong mối tương quan với chính thương hiệu, đẳng cấp và tầm cỡ của doanh nghiệp đó.

Theo Thế Lâm

Báo Lao động