Sự tha hoá của quyền lực

Báo Lao Động từng lên tiếng về chuyện thầy Nguyễn Ngọc Hải và nhóm học sinh Trường THPT An Lạc Thôn, Sóc Trăng đoạt 2 giải thưởng quốc gia nhưng không đủ tiền để lên tàu ra Hà Nội nhận giải.

Mọi việc tưởng đã suôn sẻ sau khi thầy trò với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và cá nhân đã đến được thủ đô nhận phần thưởng trong sự chào đón và tôn vinh của cả nước. Ấy vậy mà, khi trở về quê hương, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải bị Ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách kiểm điểm vì dám phản ánh lên báo chí việc không đủ tiền đi nhận giải thưởng đề tài khoa học về môi trường tại Hà Nội. Thầy còn phải “giải trình việc cung cấp số tài khoản cá nhân cho báo chí để được giúp đỡ”.

 

Đọc được tin này, một số cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 1 - U Minh - Quân khu IX - đơn vị từng chiến đấu tại An Lạc Thôn, Kế Sách, Sóc Trăng - hiện sống ở Hà Nội, góp một số tiền nhỏ giúp thầy trò Trường THPT An Lạc Thôn mua vé tàu trở về quê, đã bức xúc gọi điện cho người viết bài này. Cho nên, xin được lên tiếng cảnh báo về hiện tượng công quyền sách nhiễu dân đã đến cái ngưỡng nguy hiểm.

 

Ở đây không là chuyện bóp nặn từ cái hầu bao đã lép kẹp của người lao động nghèo khi họ có việc phải đến cửa công, cũng không là chuyện 5 tạ thóc làm ra, người nông dân nghèo phải đóng 1 tạ phí, như ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) trong khi nhà ông chủ tịch xã này lại có thể xây to như biệt phủ, cao ba tầng, có hàng rào bao bọc..., cũng không là chuyện nhiều gia đình nông dân nghèo mất đất sản xuất đang bế tắc trong chuyện kiếm kế sinh nhai. Ở đây là một dạng người có quyền lực bất chấp luật pháp và tình người.

 

Những người cầm quyền đã không biết xấu hổ khi họ không tìm cách biểu dương và hỗ trợ cho thầy trò nhà giáo Nguyễn Ngọc Hải và các cháu học sinh đang làm vẻ vang cho quê hương mà lại dùng quyền của mình để hạch sách nhằm thỏa cái sĩ diện hão của họ. “Dám phản ánh lên báo chí" rồi “cung cấp số tài khoản cá nhân” là những tội tày đình dưới con mắt của họ.

 

Ở đây không có sự thiệt hại về tiền của do họ gây ra cho người dân, song thói coi trời bằng vung này lại phơi bày một điều đáng sợ hơn là chính một số người nắm quyền lực đang tự tung tự tác, bôi nhọ lên nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân của chúng ta. Họ nhân danh cho tổ chức để áp đặt ý chí của mình lên đầu người dân, họ thách thức và coi thường công luận!

 

Có lẽ đây là một ví dụ sinh động nhất cho điều mà Lord Acton, một sử gia người Anh cuối thế kỷ 19 đúc kết: “Quyền lực có xu hướng tha hoá; quyền lực tuyệt đối thì tha hoá cũng tuyệt đối”.  Liệu đã cần rung chuông báo động về sự tha hoá này chưa?  

 

Theo GS Tương Lai

Lao Động