Nói không với "sân sau", "lợi ích nhóm"!

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông (DNNN) 14 -15 cái sân sau”. Lời nhắc nhở của Thủ tướng là thông điệp khẳng định mạnh mẽ nói không với “sân sau”, “lợi ích nhóm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.


Hình minh họa: Nguồn phapluatplus.vn

Hình minh họa: Nguồn phapluatplus.vn

“Sân sau”, “lợi ích nhóm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự ví von đã được dư luận xã hội và báo chí sử dụng khá nhiều. Khái niệm “sân sau” được hiểu là để miêu tả mối quan hệ của một số lãnh đạo quản lý dự án và doanh nghiệp cấu kết với nhau để kiếm lời bất chính.

Và sự việc ấy đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ qua thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 15 vào cuối tháng 6/2017, công bố một số cán bộ đảng viên cấp cao tham gia điều hành công ty.

Với bà Phan Thị Mỹ Thanh: “Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có các vi phạm, khuyết điểm như: Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm. Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh…Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Hay như đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương: “Thời gian từ tháng 1/2004 - 5/2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng. Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản…Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Dư luận đặt câu hỏi đây có phải là chuyện “lạ” không? Bởi những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh và bà Hồ Thị Kim Thoa diễn trong thời gian dài (gần 10 năm) và rõ như “ban ngày” mà không “bị” phát hiện, không được tổ chức đảng và các cơ quan chức năng đơn vị, địa phương làm rõ, mà phải đợi đến khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì những sai trái mới được phơi bày...

Những ví dụ nêu trên là điển hình trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thành lập quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích cá nhân được cho là “sân sau”, “lợi ích nhóm” của các quan chức đã vi phạm nghiêm trọng Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó Điều 8 nêu: Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…Vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng được quy định tại Điều 37, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Có thể thấy “lợi ích nhóm”, “sân sau” đã không còn là nghi ngờ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dần lộ diện, có địa chỉ. Nói về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ rõ “Không những 1 sân trước mà 4,5 “sân sau”. Có ông 14 -15 cái sân sau, có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu đừng tưởng Thủ tướng không biết”. Người đứng đầu Chính phủ đã rất kiên quyết và sâu sát với tinh thần nói thẳng, nói thật chỉ rõ “sân sau” của các doanh nghiệp nhà nước, đây như là lời cảnh báo, dăn đe ngăn chặn biểu hiện “lợi ích nhóm”, “sân sau”.

Thực tế cho thấy việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, trong đó có “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tình trạng “không có quan hệ làm gì cũng khó, đi đâu cũng gặp sân sau” vẫn còn tồn tại. Số vụ, việc “lợi ích nhóm”, “sân sau” được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài.

Việc xử lý người có hành vi “lợi ích nhóm”, “sân sau”, người bao che cho hành vi này và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong nhiều trường hợp chưa nghiêm. Làm cho môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các mối quan hệ, bởi cách góp vốn bằng chính sách của cán bộ đương chức hoặc về hưu sẽ làm méo mó nền kinh tế.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đặc quyền đặc lợi “sân sau” sẽ trở thành “sân trước” của nhóm lợi ích, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về trách nhiệm giải trình và việc kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hạn chế sự tác động tiêu cực của hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Đổi mới công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “sân sau” “lợi ích nhóm”./.

Theo Nguyễn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam