Bạn đọc viết:

Nghĩ về Ngày Sách Việt Nam và cơ hội nâng tầm văn hóa đọc

(Dân trí) - Một tin vui đối với nhiều người ham đọc sách, đó là chúng ta chính thức có “Ngày Sách Việt Nam” vào 21 tháng 4 hàng năm. Đây có lẽ là cơ hội mới để nâng tầm văn hóa đọc.

(ảnh minh họa: Nhật Anh – TTXVN)

(ảnh minh họa: Nhật Anh – TTXVN)

Chủ trương có một Ngày sách Việt Nam thật đúng đắn và kịp thời, vì đúng là “văn hóa đọc” của nước ta đang thực sự đứng trước nguy cơ mai một. Đọc sách với mỗi người là cơ hội để được tiếp cận với  khối lượng tri thức khổng lồ, nhưng hiện nay có một thực tế ai cũng thấy rất rõ là nguy cơ làm mai một thói quen đọc bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.

Từ nhiều năm nay, chuyện người Việt ngày càng “lười” đọc sách là một thực tế không thể phủ nhận. Con số thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chắc khiến mỗi người trong chúng ta đều không khỏi giật mình nhìn nhận lại chính bản thân ta.

Đó là: tính đến năm 3013, mức hưởng thụ bình quân của người dân Việt Nam mới chỉ đạt 3,2 bản sách/người (kể cả sách giáo khoa). Còn theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người. Khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy, bạn đọc của Thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên đăng ký đọc tại trụ sở, còn thư viện cấp tỉnh chỉ khoảng 1.000-2.000 bạn đọc. Con số đó tại các thư viện cấp huyện, xã còn thấp hơn nhiều: 5-600 và 1-200. Ở nông thôn, miền núi, thậm chí còn thấp hơn.

Một điều đáng suy nghĩ nữa là nếu như trước kia bước vào nhà của hầu hết giới tri thức, nhà giáo... thường đập ngay vào mắt khách là tủ sách chật ních, thì nay dường như những tủ sách đó đã “chạy” đi đâu mất, nếu còn thì nhiều khi cũng chỉ để làm cảnh cho... vui.

Sự lấn áp “văn hóa đọc” càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nó lan sâu vào cộng đồng trẻ - những người sẽ nắm giữ vận mệnh, tương lai của đất nước. Trước kia, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cái Tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng… là những món quà quý giá mà đám trẻ con háo hức, mong ước được cha mẹ tặng mỗi khi được điểm cao hay vào các dịp Lễ, Tết…. Thì nay những món quà đám trẻ mong muốn thường là các trò chơi điện tử, những buổi được cho đi chơi đấy hứng khởi tới các công viên trò chơi hiện đại…

Đúng là có thể chưa đến mức “đèn đỏ”, nhưng mức “đèn vàng” như hiện nay cũng cảnh báo nguy cơ tụt lùi của “văn hóa đọc” đã chạm ngưỡng. Đó là sự thiếu nghiêm túc trong việc đọc sách, mà chính điều này làm cho rất nhiều người không thấy được sách là sản phẩm vật chất của của nền văn minh nhân loại, đồng thời là phương tiện chứa đựng và chuyển tải những tri thức, những thành quả lao động mà con người sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử. Nhờ sách mà con người có thể biết về lịch sử, về văn hoá, về phong tục, tập quán và quá trình phát triển của các dân tộc, các quốc gia khác nhau từ cổ đại, cận đại cho tới tận hôm nay.

Nhất là ngày nay, ngoài hình thức sách truyền thống đã xuất hiện thêm nhiều phương tiện giúp loài người thu nhận kiến thức. Trong đó đáng kể nhất phải kể đến một dạng sách mới ra đời là sách điện tử được phát hành và chuyển tải qua các phương tiện thông tin hiện đại (đĩa CD-ROM, mạng Intenet...) được mở rộng hơn, đó cũng là những cơ hội vô cùng thuận lợi để mỗi người được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ ngày càng phong phú và  nhanh chóng hơn.

Nhưng cũng vì vậy, việc đọc sách càng trở nên quan trọng. Thói quen tốt đẹp đó không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, mà còn là một trong những yếu tố cốt lõi để mỗi người tự hoàn thiện nhân cách.

V. I. Lenin đã từng nói rằng: “Không có sách, không có tri thức…” Nhà văn Ghécxen cũng từng viết: “Sách là di huấn về tinh thần thế hệ này đối với thế hệ khác. Đó là lời khuyên của người già sắp từ giã cõi đời đối với người trẻ mới bước vào cuộc sống, đó là mệnh lệnh của người đứng gác sắp đến giờ nghỉ truyền cho người đứng gác thay. Nhưng trang sách không phải chỉ có quá khứ, sách còn là văn kiện giúp ta làm chủ hiện tại, nắm lấy tất cả mọi chân lý và sức mạnh được tìm ra qua nhiều đau khổ đôi khi còn nhuốm đầy mồ hôi hòa với máu, sách báo còn là cương lĩnh của tương lai”.

Vâng! Hãy bắt đầu từ “Ngày Sách Việt Nam”, mỗi chúng ta cùng tham gia với tư cách là chủ thể của các hoạt động ấy để góp phần gây dựng, phục hồi và nâng tầm “văn hóa đọc” trong cộng đồng.

Minh Tư

(Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội)