Mái nhà giáo dục chưa thật sự “an cư”
(Dân trí) - Mái nhà giáo dục chưa thật sự “an cư” nên họ vẫn chưa thể “lạc nghiệp”. Chúng ta nói đến nhân tài, bàn về việc quan trọng của nhân tài nhưng lại quên hẳn đi câu chuyện những người giúp đỡ, hướng dẫn họ…
Tôi là một người làm công tác trong ngành giáo dục bậc đại học. Xin chia sẻ một vài ý kiến cơ bản khi theo dõi nhiều bài báo, bài viết nêu lên vấn đề “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Chúng ta từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn nhắc đến vai trò của nhân tài đối với sự phát triển của nước nhà. Thực tế thì vấn đề này là vấn đề của tất cả các quốc gia, các nền văn minh, văn hóa và các dân tộc khác nhau trên thế giới. Sóng sau phải đủ mạnh để xô sóng trước là ước mong của tất cả mọi người khi nhìn về thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, thực trạng chảy máu chất xám chính là nỗi xót xa khi chúng ta nhìn nhận về tương lai của đất nước. Những người tà, người giỏi lại ít được trọng dụng nhất là trong hệ thống nhà nước, nơi đáng lẽ sẽ là miền đất hứa để họ đóng góp tài năng vào sự phát triển của nước nhà. Có phải chăng câu nói đùa “Giàu thì ghét, nghèo thì khinh và thông minh thì không dùng” lại là câu nói chính xác?!
Ngoài ra, nhiều gương mặt Việt kiều, hoặc du học sinh người Việt đã làm rạng rỡ cho dân tộc Việt chúng ta. Chúng ta rất hãnh diện vì điều đó. Nhưng nhìn vào mặt trái của vấn đề chúng ta nên đặt câu hỏi rằng nhìn nhận ở góc độ khác, không trực tiếp đến những nhân tài thì ta sẽ thường nhận thấy nhân tài được đào tạo ngay tại chính đất nước chúng ta vẫn còn khá ít. Chủ yếu là những người đã được đào tạo tại những hệ thống giáo dục của các nước phát triển. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời của cá nhân tôi chính là: vì những người làm công tác giáo dục và đào tạo vẫn chưa hết lòng, hết sức với nghề. Nói ra như vậy, tôi không mang ý trách những người làm công tác này (bao gồm cả tôi). Những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy thường không còn đủ thời gian công sức để nâng cao tay nghề, tập trung hướng dẫn tận tình cho học sinh, sinh viên. Đơn giản là họ vẫn còn phải lo toan cho cuộc sống, cho gánh nặng cơm áo gạo tiền. Mái nhà giáo dục chưa thật sự “an cư” nên họ vẫn chưa thể “lạc nghiệp”. Chúng ta nói đến nhân tài, bàn về việc quan trọng của nhân tài nhưng lại quên hẳn đi câu chuyện những người giúp đỡ, hướng dẫn họ. Nếu không đầu tư đúng mực cho lực lượng này thì tôi nghĩ nhân tài sẽ như lá mùa thu (còn ở trên cành).