Hướng nghiệp, học sinh phải “tự bơi” đến bao giờ?

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã có sự quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nhưng thực tế chủ yếu vẫn là các em “tự bơi”


Học sinh cuối cấp còn lúng túng trong định hướng nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Học sinh cuối cấp còn lúng túng trong định hướng nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Thành Trung - học sinh lớp 12 tại Đức Thọ (Hà Tĩnh) - cho biết: “Sắp đến kỳ thi THPT quốc gia rồi, em còn băn khoăn, lưỡng lự không biết đăng ký vào ngành nghề nào, vì nhìn đâu cũng thấy khó”.

Hỏi về công tác hướng nghiệp trong trường, Thành Trung cho hay các thầy cô đã triển khai các giờ hướng nghiệp, dạy nghề, nhưng chả đâu vào đâu. “Vì thực tế thầy cô cũng không hiểu sâu về các ngành nghề, nên khó tư vấn cho học sinh”, Thành Trung thẳng thắn.

Một cán bộ quản lý giáo dục tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Trường triển khai hướng nghiệp theo đúng quy định, mỗi năm 4 buổi, giao cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Ngoài ra, trường còn lồng ghép trong các giờ chào cờ, hoạt động ngoại khóa, giờ dạy của giáo viên bộ môn…

Tuy nhiên, vị cán bộ trên cũng thừa nhận nhà trường chưa tổ chức cho học sinh đi thực tế các doanh nghiệp, cơ quan, và các giáo viên cũng không hiểu sâu về nghề nghiệp, chỉ nắm qua tài liệu, internet…

Thầy Hồ Văn Chất – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân-Hà Tĩnh) - cho hay, hiện nay học sinh thấy sinh viên ra trường khó tìm kiếm việc làm nên nhiều em có nguyện vọng đi du học, xuất khẩu lao động… Các trường hiện nay cũng không có biên chế giáo viên chuyên trách hướng nghiệp.

Mặc dù công tác hướng nghiệp đã được quan tâm, nhưng thực tế các trường triển khai còn mang tính hình thức, chưa trở thành chỗ dựa tin cậy của học sinh. Chủ yếu các em phải tự mày mò, tìm hiểu, tự “bơi” trong biển thông tin nghề nghiệp, cùng với sự định hướng của gia đình.

Vì vậy, dẫn đến tình trạng thí sinh ồ ạt đăng ký vào những ngành nghề mà các em cho rằng có thể đảm bảo tìm được việc làm như Y, Quân sự, Công an… Theo thông tin từ Sở GDĐT Nghệ An, mùa tuyển sinh ĐH năm 2018, toàn tỉnh có 860 học sinh đăng ký vào trường ĐH Y Hà Nội, 2.058 em vào ĐH Y khoa Vinh.

Những học sinh khác, cảm thấy không đủ tự tin, thì chỉ lấy bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề, đi xuất khẩu lao động. Tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT ngày càng cao, có những trường 100%.

Một xu hướng khác, là học sinh đăng ký thi tuyển vào một trường ĐH nào đó, với tâm lý lấy cái bằng ĐH rồi “tính sau”. Thí sinh thường lựa chọn các ngành như kế toán, sư phạm, quản trị kinh doanh… Những thí sinh này thường học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, ra trường khó tìm được việc làm, thất nghiệp.

Trong khi đó, vẫn còn không ít những ngành nghề rất “khát” nhân lực, nhưng thiếu vắng người học.

Thiết nghĩ, cần quyết liệt đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hướng nghiệp trong trường phổ thông, để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Quang Đại

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm