Hết nâng điểm lại đến “chống trượt” – Ai chịu trách nhiệm

(Dân trí) - Những vụ nâng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua ở một số tỉnh và mới đây là chuyện nộp tiền “chống trượt” của sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội như giọt nước tràn ly. Vậy những ai phải chịu trách nhiệm?


Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Hậu quả về mặt xã hội của nó còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người.”

Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Hậu quả về mặt xã hội của nó còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người.”

Những tiêu cực liên quan đến giáo dục, trước tiên phải là Bộ GD&ĐT (Bộ GD) phải chịu trách nhiệm. Điều đó không sai, nhưng trong không ít trường hợp, tiêu cực lại bắt nguồn do sự dung túng ở một số địa phương và từ một số trường cao đẳng, đại học nằm ở các Bộ khác.

Phải nói thẳng rằng, một số chủ trương và thực thi những giải pháp của Bộ GD chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước, nhưng cũng cần phải công bằng nhận xét, từ trước đến nay, nhiều thế hệ lãnh đạo của bộ này từng đưa ra những chủ trương, những giải pháp tốt để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải, nhưng vẫn thất bại. Vậy đâu là lý do?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn đặt những câu hỏi khác.

Thứ nhất, phong trào “hai không” của Bộ GD (“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đưa ra trong niên học 2006 - 2007) đưa ra có đúng không? Ngày đó dư luận cho rằng, không chỉ tốt, mà rất cần thiết trong khi tiêu cực đang có dấu hiệu tràn lan. Nhưng rồi, phong trào này tự … chết yểu. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là do lãnh đạo một số tỉnh không thể chấp nhận được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh nhà bị rớt thê thảm đến như vậy. Vậy là, ngay năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp ở nhiều tỉnh lại tăng lên cao tới mức “ngẩn ngơ”. Và đến năm sau nữa, tỷ lệ tốt nghiệp lại “ổn định” với tỷ lệ cao vời vợi như trước đó. Vậy trách nhiệm chính thuộc về ai? Có lẽ, tôi không cần trả lời câu hỏi này vì nó quá rõ ràng.

Thứ hai, nhằm giảm tải dần việc thi cử, Bộ GD đã từng đưa ra chủ trương và đã được triển khai, học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi được tuyển thẳng vào thi đại học. Nhưng cũng chỉ được 3 năm, chính ngành GD phải đau xót tự xóa bỏ chủ trương rất đúng của mình. Bởi lý do lãng xẹt, ở nhiều tỉnh, số thí sinh tốt nghiệp loại giỏi tăng vọt. Số học sinh giỏi đột biến này chủ yếu rơi vào con một số vị lãnh đạo địa phương và các đại gia. Do đó, chúng ta cũng không thể trách nhiều các nhà giáo, bởi, trong cơ chế ấy, liệu các thày cô, hiệu trưởng, trưởng phòng GD hay giám đốc Sở GD có dám chống yêu cầu của lãnh đạo huyện, tỉnh. Vậy Bộ GD hay lãnh đạo các tỉnh phải chịu trách nhiệm chính? Với dư luận, câu trả lời cũng quá rõ ràng.

Thứ ba, nếu giải pháp 2 trong 1 của Bộ GD đề ra còn gây tranh cãi, dù đồng thuận vẫn cao hơn, thì giải pháp thi trắc nghiệm nhằm bao quát được nội dung và hạn chế tiêu cực trong thi cử được đa số dư luận đồng tình. Nhưng rồi, nó bị chính các Ban tuyển sinh ở một số tỉnh “đâm nhát dao” chí mạng: Sửa điểm, sửa bài thi trắc nghiệm, thậm chí cả bài tự luận của cả một nhóm có trách nhiệm ở Hội đồng thi của tỉnh nhằm nâng điểm cho một loạt thí sinh ở một số tỉnh, như Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn và nhiều dấu hiệu tiêu cực tương tự ở một số tỉnh khác đã được dư luận đặt nghi vấn. Công luận cũng cho thấy, số lượng sinh viên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc được tuyển thẳng (vì đạt điểm cực cao) vào Học viên An ninh tăng đột biến, thậm chí gấp nhiều lần những năm trước và con số tuyệt đối còn vượt qua cả những tỉnh thành phố có truyền thống học tốt. Dù dấu hiệu tiêu cực rất rõ, nhưng tất cả đành phải chấp nhận kết quả này vì chưa đủ chứng cứ để bác bỏ nó.

Hậu quả của những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bị phát hiện, GS, thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an phải thốt lên với báo chí: “Hậu quả về mặt xã hội của nó còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người.” Không cần phân tích, ai cũng thấy, đó cũng chỉ là một phần của sự đớn đau mà cả xã hội phải gánh chịu. Còn gì xót xa hơn cho sự nghiệp trồng người?!

Vậy nhưng, ngoài một số đối tượng trực tiếp sửa bài, sửa điểm bị khởi tố, bị kiểm điểm, dư luận chưa thấy một vị lãnh đạo tỉnh nào phải chịu trách nhiệm, dù chỉ là kiểm điểm, về những tiêu cực này. Đây là điều khó hiểu với dư luận. Bởi những nhân sự lãnh đạo ở các phòng, các Sở GD ấy đều do tỉnh quyết. Và cũng chưa ai làm rõ được có hay không sự dính líu của một số vị lãnh đạo tỉnh với việc một loạt con cháu của họ được nâng điểm – Đây là điều dư luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ.

Thứ tư, việc một số giáo viên công khai yêu cầu sinh viên nộp tiền “chống trượt” môn ngoại ngữ để đủ điều kiện tốt nghiệp ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội như giọt nước tràn ly trước nạn tiêu cực tràn lan trong giáo dục. Qua clip được báo Lao Động đăng tải, mỗi người trong chúng ta, không ai có thể hình dung nổi, cô giáo đứng trên bục giảng công khai diễn giải về việc này và thản nhiên thu tiền như đã từng làm những năm trước. Và, nhiều cựu sinh viên còn “thương” những lớp đàn em sẽ khó còn cửa “chống trượt”. Tiêu cực ăn sâu vào sinh viên lẫn giáo viên tới mức này thì … không còn gì để nói.

Vậy câu hỏi đặt ra, việc Bộ GD đưa ra yêu cầu tối thiểu về trình độ ngoại ngữ với các cử nhân, kỹ sư là đúng hay sai? Câu trả lời, chắc chắn đúng, vậy thì, những tiêu cực này trách nhiệm thuộc về ai? Tất nhiên là những giáo viên trực tiếp làm việc này và lãnh đạo của trường, nhưng cơ quan chủ quản của trường này là Bộ Công thương liệu có phải chịu trách nhiệm không khi để vụ việc này diễn biến trong thời gian dài?

Do đó, ngoài việc tìm ra những đối tượng trực tiếp, thì phải sớm lẵm rõ được những người chịu trách nhiệm liên đới (thậm chí là chỉ đạo) ở trường, ở tỉnh và trách nhiệm của cơ quan chủ quản với những tiêu cực này. Nếu không, chỉ Bộ GD chịu trách nhiệm tất cả, e rằng, không chỉ là thiếu công bằng, mà còn tạo cơ hội cho đối tượng “đầu têu” của một số lãnh đạo tỉnh tiếp tục “đạo diễn” tiêu cực dài dài và ngày càng nặng nề hơn.

Vương Hà