Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

(Dân trí) - Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 chúng ta thắng liên tiếp, nhưng diễn biến cho thấy  nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm ở nước ta không hề nhỏ.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn - 1

: Trong ngày đầu tiên Hà Nội hết cách ly, nhiều tuyến đường đông đúc người trở lại, hiện tượng ùn tắc đã diễn ra. Hình ảnh được PV Dân Trí ghi lại lúc 7h40 phút tại đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội).

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 chúng ta thắng liên tiếp, nhưng diễn biến cho thấy  nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm ở nước ta không hề nhỏ. Do đó, chúng ta “vui nhưng vẫn phải cảnh giác”với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Tít bài này tôi mượn tên một bộ phim Việt Nam mà tôi đã từng xem, có lẽ cách đây cũng khoảng 50 năm. Đại khái đây là bộ phim chống gián điệp ở miền Bắc, nhớ lại thấy ngồ ngộ. Đặc biệt là cảnh nữ gián điệp ngồi trên ô tô vừa đi vừa gõ tạch tè, mặt đầy căng thẳng, khiến chúng tôi khi đó hồi hộp, hứng thú. Cuối phim, tất nhiên là công an bắt gọn cả toán gián điệp, nhưng vẫn nhiều toán gián điệp khác nhăm nhe nhảy dù ra Bắc, nên lời cảnh giác cuối phim: Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn.

Tôi nhớ đến phim này, bởi tình cảnh của chúng ta, tuy liên tiếp thắng trận chống đại dịch Covid -19, nhưng còn không ít những nguy cơ tiềm ẩn dịch bùng phát trở lại.

Cả nước đã không còn phải giãn cách xã hội, kết quả này có được là nhờ Chính phủ chọn đúng “thời gian vàng” (ngày 1.4) để cả nước cách ly xã hội 2 tuần theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và sự hưởng ứng, đồng lòng của toàn dân.

Nhìn lại, chúng ta thấy Chỉ thị 15 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội đều là những mệnh lệnh rất quyết liệt và luôn lấy hệ số an toàn cao và đi trước một bước so với đề xuất của WHO. Điều đó thể hiện sự quyết đoán của Đảng, Chính phủ luôn lấy sức khỏe, sinh mạng của người dân là cao nhất và chấp nhận thiệt hại về kinh tế.

   Suốt 3 tháng chống dịch vừa qua, dù chúng ta liên tục “thắng trận”, Chính phủ và chính quyền các tỉnh thành phố chưa bao giờ chủ quan, vẫn rất quyết liệt. Trong đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu xét nghiệm nhanh tất cả những khu vực nhậy cảm như xung quanh BV Bạch Mai, các khu bị cách ly. Mới đây, Hà Nội cho xét nghiệm nhanh tất cả các tiểu thương ở các chợ đầu mối - nơi dễ lây lan rộng và thành ổ dịch khó kiểm soát nhất hiện nay.

Kết quả, liên tục những ngày qua, cả nước không có thêm ca nhiễm Covid -19 nào khác và số người đã chữa khỏi đã lên tới 83 % (tính đến ngày 23.4). Đó là những dữ liệu rất thuyết phục.

Tuy nhiên, nếu không cảnh giác, mọi thành tựu có thể đổ xuống sông xuống biển bất cứ lúc nào.

Những diễn biến khó lường của đại dịch trên thế giới buộc mỗi chúng ta không được chủ quan. Số ca nhiễm trên thế giới, chỉ trong khoảng chục ngày, số người bị lây nhiễm từ 2 triệu nhẩy vọt trên 2,6 triệu và gần 180 ngàn người tử vong. Đáng buồn là dù bắt đầu có dấu hiệu chững lại, nhưng những con số đó vẫn đang tăng từng ngày.

Đáng lưu ý là những nước từng được coi là khống chế dịch Covid -19 thành công và có kỷ luật tốt như Nhật Bản, Singapo, nhưng chỉ một chút sơ sểnh, chút quên lãng những đối tượng tiềm ẩn, vẫn có thể khiến dịch bùng phát trở lại.

Quay trở lại dịch Covid -19 ở Việt Nam, những ngày qua chưa phát sinh thêm những ca nhiễm mới, nhưng điều đó không hẳn đồng nghĩa đã hết mầm bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, một số trường hợp đã chữa khỏi, nhưng sau đó lại dương tính (dù rất ít). Trong khi đó, các bác sĩ, các chuyên gia vẫn chưa thể chỉ ra chính xác nguyên nhân dương tính quay trở lại với những ca đã chữa khỏi. Các chuyên gia chỉ có thể đưa ra những giả thiết, trong đó không loại trừ khả năng virut Covid -19 “sống lại” trong cơ thể người bệnh hoặc có thể chính họ bị lây nhiễm trong cộng đồng.

Mặt khác, với một số ca nhiễm các cơ quan chức năng chưa thể truy xét hết các dạng F1, F2, F3, trong khi đó  nhiều người mang trong mình Covid – 19 nhưng hầu như không có hoặc rất ít những biểu hiện lâm sàng và thời gian ủ bệnh lâu hơn bình thường. Điều này cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát bệnh là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít các cơ quan chức năng ở địa phương và một số người dân đã chủ quan. Ngay tại Hà Nội, nơi lãnh đạo rất quyết liệt nhưng những ngày cuối cùng phải cách ly theo Chỉ thị 16, các phương tiện tham gia giao thông trên đường phố ở Hà Nội tăng đột biến; số hàng quán chưa được phép mở cửa nhưng vẫn nửa kín nửa hở tiếp khách và khá nhiều người không đeo khẩu trang khiến cộng đồng thực sự lo ngại. Rõ ràng, chính quyền cấp cơ sở ở đây cũng các cơ quan chức năng đã lơ là trách nhiệm trong việc thực thi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, dư luận mong muốn chính quyền lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần thực thi những bcovid - 19iện pháp quyết liệt, xử lý kỷ luật nặng với những người đứng đầu cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở để xảy ra tình trạng không giữ được việc tránh tụ tập đông người, dân không đeo khẩu trang, không giữ được khoảng cách theo quy định...

Không còn giãn cách xã hội, nhưng cần luôn nhớ tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch và tiếp tục tinh thần “Chống dịch như chống giặc.”

Vương Hà