Góc nhìn chuyên gia

Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1?

Làm sao cho mỗi ngày các cháu đến trường là một ngày vui. Hạnh phúc giúp sự học có kết quả cao


Sĩ số lớp đông, thời lượng tiết dạy ngắn, nhiều giáo viên tâm sự rất vất vả nếu trẻ không biết chữ trước (ảnh minh họa)

Sĩ số lớp đông, thời lượng tiết dạy ngắn, nhiều giáo viên tâm sự rất vất vả nếu trẻ không biết chữ trước (ảnh minh họa)

Bài này

http://dantri.com.vn/su-kien/giao-vien-toat-mo-hoi-vi-tre-khong-biet-chu-truoc-khi-vao-lop-1-20170719222201894.htm

cho thấy là đại đa số các bậc phụ huynh và các giáo viên lớp 1 có lên tiếng đều có lý và nhất trí là trẻ cần học chữ trước khi vào lớp 1.

Lớp đông quá, cô giáo chỉ đi một vòng là đã “toát mồ hôi” không còn sức để có thể chăm sóc từng cháu và khai tâm cho các cháu “tờ giấy trắng”, tức là chưa biết gì.

Chương trình nặng quá, thời lượng ít nên phải học trước vì nếu không, trong lớp các cháu chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa”

Hơn nữa, các cháu chưa quen với “bảng lớn, bảng con, bút chì tập vở”…

Những thực trạng đó hoàn toàn có thật. Không ai chối cải.

Thế nhưng có thể giải quyết thực trạng một cách tổng thể mà không phải bắt các cháu học chữ trước lớp 1.

Hồi sáu năm trước, tôi đã viết về việc học chữ trước khi vào lớp 1

http://dantri.com.vn/ban-doc/cham-lo-cho-con-em-truoc-khi-vao-lop-1-1311275640.htm

Vì sao các nước đều qui định trẻ em được “khai tâm” vào năm 6 tuổi ? Vì thông thường, cho đại đa số các cháu, lúc ấy là lúc thuận tiện nhất, não đủ chín chắn (mature) để học và học tốn ít công nhất. Mỗi phát triển có thời dụng biểu của nó. Không ai bắt một bé tập đi lúc 7-8 tháng. Trước đó các cháu cũng học được nhưng học chậm hơn, học cực hơn. Tiếng Pháp có thành ngữ “Trước giờ, chưa phải lúc. Sau giờ, hết phải lúc”.

Nếu các cháu phải học trước 6 tuổi nhưng các nhu cầu khác đều được thỏa mãn thỏa đáng thì quá trình khai tâm chỉ tốn công hơn thôi. Nhưng nếu vì học sớm mà phải hi sinh không thỏa mãn các nhu cầu khác, thì sự học có thể sẽ thành một áp lực với các cháu, có thể làm mệt các cháu và có thể là nguyên nhân cho nhiều khó khăn khác sau này.

Cách đây 30 năm, một số nhà tâm lý ghi nhận giả thuyết “áp lực học” như giải thích tỉ lệ thiếu niên Nhật Bản tự tử. Thận trọng, tôi nói “có thể là nguyên nhân cho nhiều khó khăn khác sau này” vì chỉ là lý luận thôi, chưa có nghiên cứu kiểm chứng. Nhưng một nghiên cứu về đề tài này khó thực hiện được vì không thể dùng trẻ như một vật thí nghiệm. Phải nghiên cứu chẳng hạn 1000 trẻ học đọc học, viết, học toán trước khi vào lớp 1 rồi so sánh với 1000 cháu khác không học trước và theo dõi các cháu trong 30 năm - Lý do đạo đức không cho phép thực hiện một công trình như thế .

Mặt khác, thần kinh học càng ngày càng phát triển, trong bài này

https://hocthenao.vn/2014/11/18/hoc-duoi-goc-nhin-cua-khoa-than-kinh-nguyen-huynh-mai/

tôi có dẫn một sách nói về những tế bào thần kinh của sự học đọc

Dehaene S., Les neurones de la lecture. NXB Odile Jacob, 2007.

Trẻ muốn đọc, cần đúng thời điểm của phát triển, cần nhu cầu và hứng thú, cần được môi trường nâng đở, ... chứ không cần sự gò bó hay nhu cầu của tổ chức lớp học.

Trả lời các lập luận

. Nếu bảo rằng các cháu chưa quen với bảng lớn bảng con, bở ngở khi vào lớp 1 thì có lẻ phải ...kết tội các lớp mầm non chưa hoàn thành nhiệm vụ giúp các cháu làm quen với môi trường học tập – dù rằng ở trường mầm non các cháu chỉ... học chơi .

. Nếu bảo rằng chương trình nặng, thời lượng thiếu thì phải sửa đổi chương trình và xem lại thời lượng chứ sao phải bắt các cháu học trước? Đây là một vấn đề sư phạm tối quan trọng. Ta khai tâm cho một lớp trẻ hay ta lập trình cho một lô rô bốt, nhào nặn nhét kiến thức cho chúng?

. Thế giới bắt đầu nói đến niềm vui của học tập từ nhiều năm nay. Ta còn bắt các cháu học để đối phó – phải biết đọc trước vì tình thế nó như vậy đó. Không học trước là sẽ không theo kịp, sẽ bị bỏ rơi bởi lớp 1.

. Chỉ cần học trước vào dịp hè lúc sắp vào lớp 1? Đồng ý nhưng có lẻ ta đang chú ý đến thực tế mà bỏ quên tâm lý. Trẻ cần được thỏa mãn nhu cầu chơi, nạp ...năng lượng trước ngày nhập học.

Đề nghị:

Đi từ quan sát, trẻ nào cũng có nhu cầu khám phá và hiểu thế giới chung quanh chúng, chúng tôi ở Bỉ không dạy trẻ đọc trước lớp 1 nhưng phần đông trẻ sáu tuổi đã biết viết tên chúng, biết đọc số xe buýt đậu phía trước hay nhìn ra các bảng hiệu Coca Cola hay Mac Donald, ...

Xin giải thích:

Từ lúc hai tuổi, trẻ nào cũng biết đếm các bậc thang khi chúng leo lên gác, Đó là một trò chơi tự nhiên. Khi bắt đầu đi nhà trẻ, chúng chọn một tranh của con vật nào đó – mèo, chó, sóc, hoa, như cái hiệu của mình để cho móc áo hay hộp học cụ (bút và tập vẽ) ở lớp. Từ từ, lên năm, cái dấu hiệu được thay bằng tên, viết hoa, khi các cháu biết thế nào là vạch thẳng, vạch chéo, đường tròn. Viết chữ cũng là một loại vẽ đấy mà. Tiếng Pháp gọi là pictogramme – hình thức viết đi từ vẽ.

Tức là tất cả những công đoạn ấy nằm trong quan sát thế giới chung quanh của trẻ. Trẻ “đọc” một cách tổng hợp dù chưa biết các chữ cái. Trẻ viết tên mình như một loại vẽ – vẽ ký hiệu – Ngôn ngữ, nói cho cùng cũng là một hệ thống phức tạp những ký hiệu.

Trong cách dạy đọc cổ điển, ta xé cái phức tạp ấy bằng cách đi từ những chữ cái, rồi đánh vần và ghép thành chữ. Trẻ đã khám phá cách đọc bằng đường tắc, bẳng ghép thẳng, trực tiếp. Mỗi chữ là một tổng thể, như một bức tranh nhỏ. Chữ Mac Donald, hiệu món ăn nhanh, hay Coca Cola là những hình ảnh mà trẻ nhận biết rất sớm.

Tôi không chuyên môn về ngôn ngữ tiếng Việt nhưng có lẻ ta cũng thử tìm xem có cách nào dạy trẻ đọc một cách tổng hợp, có thể dễ hơn vì cụ thể hơn đối với chúng. Cho tiếng Pháp, một số giáo viên dạy trẻ đọc trước khi dạy mẫu tự hay chữ cái từ hơn 30 năm rồi.

Tức là tiếp tục ở lớp ta có thể dạy trẻ đọc bằng hay dựa trên nhu cầu và bằng phản xạ. Nhìn và đọc các chữ - tương tác với những minh họa nhỏ - rồi nhận diện các mẫu tự sau đó để … khám phá các chữ khác có cấu thành với cùng các mẫu tự. Thầy dựa trên các trải nghiệm trước đó của trò để “tái cấu trúc” các trải nghiệm ấy thành các bài tập đọc.

Chuyện tập đọc thành một con đường thích thú với đầy khám phá.

Trung bình, ở Bỉ, thầy lớp 1 cần ba đến bốn tháng để cả lớp biết đọc, biết viết đồng thời không quên chương trình Toán và Khám phá môi trường.

Với những lớp học vui và với học trò không bị quá tải.

Chuyện quá tải.

Ở đây có lẻ cũng cần phân biệt quá tải tâm lý, quá tải vật chất và quá tải trí tuệ.

Nhiều khi các cháu lớp 1 mệt, không hứng thú học vì phải học theo cái lô gich của thầy, của chương trình chứ không theo nhu cầu hay sở thích của các cháu.

Ta đừng quên là trẻ chỉ học một cách hữu hiệ những gì có ý nghĩa đối với chúng. Đó là quá tải tâm lý.

Còn quá tải vật chất là khi ta nhồi nhét nhiều tri thức quá sức tiếp thu của các cháu – chương trình nặng là một thí dụ

Riêng chuyện dạy đọc sớm có thể làm quá tải trí tuệ. Trẻ chưa sẳn sàng.

Kết luận

Tất cả những điều kể trên là dựa trên kinh nghiệm ở Bỉ. Thực trạng ở bên ta có thể khác. Nhưng xin đừng quên là hệ thống giáo dục cơ sở ở Bỉ được xếp thứ nhì trong thế giới các nước giàu, chỉ đứng sau Hà Lan.

Làm gì thì làm, có thể ta nhân cơ hội đổi mới toàn diện giáo dục cơ sở và phổ thông để xem lại cách ta dạy trẻ đọc.

Để làm sao cho mỗi ngày các cháu đến trường là một ngày vui. Hạnh phúc giúp sự học có kết quả cao.

Nguyễn Huỳnh Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm