Chất vấn và hậu chất vấn
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, sôi động, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri, chiều qua (6-6), Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV hoàn thành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Các chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực “nóng” là: Giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, lao động-thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo. 4 bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn. 3 phó thủ tướng Chính phủ, 3 thành viên Chính phủ khác cùng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tham gia báo cáo, giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Qua các phiên chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế-xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị ĐBQH và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này có kết quả tích cực, được các ĐBQH và cử tri đồng tình, đánh giá cao”.
Rất nhiều cử tri tỏ thái độ hài lòng với cả người hỏi và người trả lời. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình với một số đại biểu chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi.
Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nắm chắc tình hình thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Theo quy định của Hiến pháp, chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội. ĐBQH là người đại diện cử tri cả nước, có quyền chất vấn các thành viên Chính phủ và các thành viên khác trong bộ máy Nhà nước, làm rõ những vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm. Thời gian qua, nhiều ý kiến chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội được giải đáp, trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Đại đa số những “lời hứa từ nghị trường” đã được thực hiện, đi vào hiện thực trong cuộc sống, tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn có những lời hứa sau kỳ họp chưa trở thành hiện thực. Ngay tại kỳ họp Quốc hội này vẫn còn một số nội dung chất vấn xuất hiện từ nhiều kỳ họp trước nhưng vì chuyển biến còn chậm, hoặc chưa được giải quyết nên các đại biểu phải chất vấn lại. Chính vì thế mà hậu chất vấn phải đặt ra và giải quyết hậu chất vấn phải được coi là nhiệm vụ quan trọng hơn cả việc chất vấn.
Điều mà đông đảo cử tri quan tâm là các cam kết của các thành viên Chính phủ được thực hiện ra sao. Giám sát hậu chất vấn phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các ĐBQH.
Mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm của người trả lời chất vấn phải thực hiện các vấn đề mà ĐBQH kiến nghị, chất vấn. Thế nhưng trên thực tế vẫn còn thiếu các cơ chế và chế tài bảo đảm để những người có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ sau chất vấn. Cơ chế giải quyết những vấn đề sau chất vấn còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hứa suông, hứa rồi để đó của những người có trách nhiệm. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện không nghiêm, cử tri và nhân dân không đồng tình ủng hộ thì lời hứa của bộ trưởng vẫn không thể trở thành hiện thực được. Ví như với lời hứa giảm ùn tắc giao thông nhưng người dân vẫn không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải dù có “ba đầu sáu tay” vẫn không thể xoay chuyển tình thế.
Được biết, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo nghị quyết về vấn đề này để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. Đó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc giám sát triển khai thực hiện hậu chất vấn.
Theo Đỗ Phú Thọ
Báo Quân đội nhân dân