DN game than “sắp chịu hết nổi” vì bị siết
(Dân trí) - Phát biểu tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến ngày 3/7, các doanh nghiệp game đều than phiền vì bị siết chặt, thiếu cơ chế quản lý nên đã “sắp chịu hết nổi”.
“Chịu hết nổi rồi”
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc điều hành của FPT Online, cho biết FPT đã rơi vào khủng hoảng trong 2,5 năm trở lại đây kể từ khi Bộ TT&TT quyết định ngừng thẩm định và cấp phép mới cho game online từ tháng 10/2010. Do sự thiếu cơ chế quản lý, và các cơ quan chức năng còn chờ nghị định quản lý trò chơi trực tuyến nên các hoạt động trong ngành game dường như đã bị đình trệ. Đại diện FPT cho hay tập đoàn đã rất bối rối, không biết xoay sở thế nào, và đã mất hoàn toàn đội ngũ cán bộ đã nuôi dưỡng từ 10 năm nay.
FPT cho biết năm 2011, doanh thu từ game của FPT Online đạt 318 tỉ đồng nhưng đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của lĩnh vực này chỉ còn 108 tỉ đồng. Ông Khoa cũng thẳng thắn thừa nhận chính FPT cũng làm một số game không phép để tồn tại.

Các doanh nghiệp game than thở về thực trạng quản lý game hiện nay.
Ông Minh nhấn mạnh trước tháng 8/2010, Thông tư 60 cho phép doanh nghiệp được kinh doanh game online. Tuy nhiên, việc quản lý được thực hiện bằng cách thẩm định nội dung, kỹ thuật cho từng game và chưa có quy định rõ ràng về nội dung. Điều này dẫn đến việc không đạt được sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý, không có chính sách khuyến khích hay bảo hộ doanh nghiệp nội địa. “Khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp nội kể từ sau thời điểm 8/2010. Doanh nghiệp không biết hoạt động theo kiểu gì”
Ông Minh cho biết ngành công nghiệp game thế giới năm 2012 ước tính đạt 80 tỷ USD doanh thu (30 tỷ vào 2004). Đây là ngành công nghiệp giải trí tăng nhanh nhất. Tại các quốc gia phát triển, nó đều lớn hơn phim ảnh, âm nhạc. Tại Việt Nam, năm 2012, doanh thu của game online đạt 5.000 tỷ đồng, và game trên di động đạt 1.000 tỷ đồng. Hiện tại trên thị trường có hơn 200 game online, 100 game trên mobile. Số lượng công ty phát hành game tăng nhanh lên 40 công ty và cả nước có 20 công ty phát triển game.
Theo đại diện VNG, ngành game hiện đang đạt doanh thu trực tiếp khoảng 6.000 tỷ đồng, và 20.000 tỷ đồng gián tiếp từ café, PC, Internet và di động.
Ông Phan Sào Nam, Giám đốc công ty VTC Online, cho rằng việc Nghị định quản lý quản lý trò chơi trực tuyến chưa ra đời đã gây ra sự bất ổn định trong chính sách làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong nước cũng như tâm lý đầu tư nhà nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Nam, hiện tại Việt Nam có 70 game được cấp phép, nhưng số lượng game không cấp phép lên tới hơn 200, trong khi đó không thể đếm xuể được game mobile không cấp phép.
Thanh tra Bộ TT&TT lên tiếng
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, cũng chia sẻ về nỗi khổ của các doanh nghiệp làm game. Theo ông, các doanh nghiệp trong nước đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi kể từ tháng 8/2010 khi không còn được cấp phép game. Trong khi đó, số lượng game lậu nhập từ các nước, như Trung Quốc, hoạt động tràn lan trên thị trường.
Ông Hùng cho biết vòng đời của mỗi trò chơi game online chỉ khoảng 6 tháng. Do vậy, khi doanh nghiệp không được cấp phép trò chơi mới thì chỉ có hai lựa chọn, hoặc chấp nhận ngừng hoạt động, hoạt bắt buộc vi phạm để tồn tại.
Có thể hiểu đó chính là lý do vì sao khi Bộ TT&TT tiến hành thanh tra, kiểm tra thì phát hiện 100% doanh nghiệp game trong nước đều vi phạm. Ông Hùng nhấn mạnh: “100% doanh nghiệp có game online đang phát hành mà chưa được thẩm định kịch bản, vi phạm quy định của pháp luật sẽ đứng trước nguy cơ rất cao bị khởi tố”.
Cũng đứng ở góc độ các nhà quản lý, ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT& TT TPHCM, cho biết: “Game không phép hoạt động rất nhiều, các công ty khi bị phát hiện chuyển trụ sở sang thành phố khác, một số doanh nghiệp bị xử lý thì chuyển trụ sở. Do đó, việc quản lý rất khó khăn.
Sở TT&TT kiến nghị tăng cường chân rết ở các quận huyện để quản lý.
Ngoài ra ông Dương đề xuất Cục Phát thanh và Truyền hình nên xây dựng cơ sở dữ liệu các trò chơi, những trò chơi nào cấp phép rồi và tiêu chí đánh giá game ra sao… để các tỉnh nắm bắt để xử lý, cập nhật trò chơi không phép để xử lý.
Đại diện Sở TT&TT cho rằng việc phát hiện ra trò chơi không phép không khó. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu thì lại khó khăn như máy chủ đặt ở nước ngoài, không quản lý đc, doanh nghiệp chuyển trụ sở… Từ cơ sở dữ liệu này, các doanh nghiệp kinh doanh game cũng có thể đưa thông tin game không phép vào đó để cảnh báo với các nhà quản lý.
Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ TT&TT sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 97 về quản lý Internet, trò chơi trực tuyến; đồng thời nhanh chóng thành lập lại Hội đồng xét duyệt, thẩm định game online, xem xét cấp phép cho những game đáp ứng tốt các quy định về chất lượng, nội dung, độ tuổi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ để kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trái phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội cạnh tranh được bình đẳng trên sân nhà.
Công nghiệp game có khi thua ngay trên sân nhà!
Tham gia với vai trò chủ trì tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến ngày 3/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh về tính 2 mặt của ngành game.
Theo Thứ trưởng, game đã phát triển ở Việt Nam đã gần 10 năm. Tuy nhiên, việc quản lý game của các cơ quan nhà nước chưa được tốt. Một số biện pháp hành chính chưa theo kịp sự phát triển của ngành game và việc thực hiện quản lý còn chưa cao.
Thứ trưởng cho biết đã có nhiều kiến nghị của đại biểu hội đồng nhân dân ở cả hai góc độ, để game online không ảnh hưởng đến người chơi, tránh bạo lực, lợi dụng trò chơi trực tuyến. “Đồng thời một loại kiến nghị khác là cũng đề cập trong bối cảnh hiện nay bởi nếu như quản lý mà đóng cửa khép chặt không để cho lĩnh vực này phát triển tự nhiên, thấy khó thì cứ đóng cửa sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt thòi. Khi DN trong nước bị đóng chặt, trò chơi nước ngoài tràn ngập, vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói thêm: “Ý kiến này cũng tạo ra suy nghĩ rằng công nghiệp nội dung số, game có khi thua ngay trên sân nhà”