Dân vùng nghèo nhất nước được tặng trạm xá và bò giống

(Dân trí) - Ngày 22/8, Trạm xá xã Trung Lý II chính thức được khánh thành và bàn giao cho chính quyền địa phương khai thác, phục vụ đời sống nhân dân.

Khởi công từ tháng 12/2012, trạm xá xã Trung Lý II được xây dựng kiên cố với 2 tầng, đầy đủ các phòng chức năng quan trọng để khám chữa bệnh tuyến đầu như: Phòng Siêu âm, Phòng X-Quang, Phòng Tráng rửa phim, Phòng Sản, Phòng Dược, 12 phòng bệnh với 24 giường, và các công trình phụ trợ liên quan. Tổng diện tích xây dựng hơn 300 mét vuông. Toàn bộ các phòng chức năng đều được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.

Dân vùng nghèo nhất nước được tặng trạm xá và bò giống - 1

Sự xuất hiện của trạm xá xã Trung Lý II làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng. Bản Cò Cài – nơi xây dựng trạm xá – là một trong những điểm nghèo nhất của huyện, cho tới hiện nay vẫn chưa có đường nhựa, chưa có điện lưới đến bản. Người dân nơi đây vẫn chủ yếu sử dụng “điện nước” (máy phát điện thủy lợi) cho các nhu cầu hàng ngày. Bản thân xã Trung Lý cũng có địa hình dàn trải đặc biệt, khoảng cách đầu cuối xã lên tới hơn 70km. Vì thế, khi có các trường hợp bệnh nhân hiểm nghèo cần cấp cứu, bệnh nhân và người nhà phải di chuyển nhiều giờ đồng hồ mới có thể đến được cơ sở y tế gần nhất. Thời gian này được giảm xuống tính bằng phút cho hàng trăm hộ dân sống rải rác trên địa bàn.

Công trình trị giá 3,7 tỷ đồng này là một trong những hạng mục quan trọng do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ huyện Mường Lát trong khuôn khổ chương trình xóa nghèo bền vững theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.

Cũng trong ngày 22/8, đại diện Chi nhánh Viettel Thanh Hóa thay mặt Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng 150 con bò giống cho 150 hộ nghèo trên địa bàn 6 xã của huyện Mường Lát. Số bò này là cơ sở để người dân tự phát triển kinh tế gia đình, từ đó ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã hỗ trợ 2 huyện nghèo Mường Lát và Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) hơn 20 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ được thực hiện trên toàn diện các lĩnh vực: xây dựng công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ cây, con giống phát triển kinh tế, lập quỹ khuyến học…

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, người các dân tộc thiểu số ở 61 huyện nghèo trong cả nước (những huyện có tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ của huyện lớn hơn 50%). Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020, các huyện này có mức phát triển kinh tế - xã hội ngang bằng với các huyện khác trên địa bàn.

Thực hiện theo Nghị quyết 30A, Viettel đã đầu tư 89 tỷ đồng trong giai đoạn 1 (2009-2013) và 56 tỷ đồng trong giai đoạn 2 (2014-2016) để hỗ trợ 3 huyện nghèo.

Cẩm Thủy