Đàn ông Việt và văn hoá "Xin lỗi"

(Dân trí) - Đúng hay sai khi mình cất lên hai từ “Xin lỗi”, đặc biệt là nói điều đó với người mình yêu thương. Đàn ông Việt thường cho rằng bị nhiễm “máu” gia trưởng nên với họ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng, xã hội ngày càng hiện đại, tư duy lớp trẻ ngày càng tân tiến hơn, lời “xin lỗi” còn khó không các quý ông?

Trong một buổi hẹn hò, chị bạn tôi buồn bã kể: “Bỗng nhiên chị cảm thấy thất vọng về chồng mình ghê gớm”. Hỏi lý do thì chị trả lời: “Hôm trước, anh chị tham gia một bữa tiệc của công ty, vì phải sang nhà ngoại gửi con mà tới muộn mất khoảng 10 phút. Vừa tới nơi gặp sếp, anh ấy đã xin lỗi vì đến trễ. Em không biết đâu, trên cả đoạn đường từ nhà ngoại tới khách sạn hôm đó, anh ấy đã không hề tiếc lời mắng nhiếc chị vì tội lề mề, không lo đón con sớm, chuẩn bị đồ con quá chậm… trong khi bản thân anh ấy không hề giúp đỡ gì chị. Chị cũng đi làm, cũng thu nhập đâu kém cỏi gì anh.


Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Chưa kể, khi nghe anh ấy xin lỗi sếp vì tới muộn, chị thấy lòng như rơi rụng. Đã bao nhiêu lần anh tụ tập bạn bè về muộn, chưa một lần anh mở lời xin lỗi vợ. Cũng đã không biết bao nhiêu bận anh hẹn vợ mà trễ, hoặc có lần thậm chí không tới, anh cũng chưa một lần xin lỗi. Chị cảm thấy hóa ra, có vẻ như anh không coi trọng chị, có thể mặc nhiên làm những điều có lỗi và không cảm thấy phải áy náy gì về điều đó. Như thế có thỏa đáng không em?”.

Ngẫm nghĩ thì đúng là đàn ông Việt ít xin lỗi thật, nhất lại là xin lỗi những người thương yêu. Dường như, trong nhiều trường hợp, họ thậm chí không nghĩ rằng mình có lỗi, chẳng hạn như chồng chị bạn, có lẽ anh ấy chưa từng nghĩ việc về muộn, việc bắt vợ chờ trong những cuộc hẹn là điều có lỗi. Cũng nhiều anh, nhiều khi biết rằng mình sai sờ sờ ra đấy những cũng im lặng và lờ đi. Có phải vì các anh sĩ diện cao quá chăng?

Tôi thì nghĩ, ngoài việc sĩ diện cao, coi việc xin lỗi vợ là “mất mặt” thì trong máu của các anh trai Việt còn bị ngấm quá nhiều tư tưởng của một kẻ gia trưởng. Có nghĩa rằng, các anh là chủ gia đình, việc anh làm là đúng, chồng nói vợ phải nghe, chồng có làm việc này việc kia, đúng hay sai, vợ cũng phải mặc nhiên chấp nhận. Đàn ông chưa vợ thì còn thường hay xin lỗi người yêu khi xảy ra chuyện, chứ một khi đã lấy về là “quay ngoắt 180 độ” đến mức không ít cô vợ phải sững sờ.


Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Chị bạn cũng kể: “Ngày yêu nhau, mỗi lần anh ấy tới muộn, tuy không nói xin lỗi nhưng thường sẽ mua một bó hoa hoặc một món quà nhỏ nào đấy để thay lời xin lỗi. Như lúc ấy còn vui. Giờ thì chuyện có lỗi là mặc nhiên và không cần phải lấy lòng làm gì nữa, anh ấy không còn quan tâm tới cảm xúc của chị nữa”.

Một người bạn khác của tôi lấy chồng người Pháp được 3 năm, cô ấy kể, lúc mới về cùng nhà, cô ấy hơi ngại với những lời xin lỗi của chồng. Buổi sáng thức dậy trễ, không kịp chuẩn bị bữa sáng cho vợ - Anh xin lỗi. Buổi chiều ở công ty về muộn - nhắn tin xin lỗi; Không ăn tối được với cả nhà - xin lỗi; Mới đầu bạn cảm giác chồng mình cứ khách sáo làm sao, nhưng dần dần, cô bạn nhận ra rằng điều đó thuộc về văn hóa và cách suy nghĩ của con người nơi đây. Anh chồng tôn trọng, yêu thương và luôn chu đáo để cô phải tổn thương, lo lắng điều gì.

Trở lại với cánh đàn ông Việt, đi ra ngoài, giao tiếp xã giao thì thường tỏ ra xởi lởi, ga lăng và không mấy khi tiếc lời xin lỗi, cảm ơn tới bạn bè, đồng nghiệp. Thế nhưng về nhà lại vô cùng kiệm lời “cảm ơn” hay “xin lỗi” với bạn đời. Chỉ đến khi họ cảm thấy không xin lỗi thì sẽ có nguy cơ mất mát điều gì đó quan trọng thì mới chịu mở lời. Lý do làm sao mà có thể khéo léo với những người ngoài mà lại cục cằn với người đầu ấp tay gối, yêu thương, chăm sóc cho mình mỗi ngày?

Thiết nghĩ, khi đủ yêu thương, đủ trân trọng đối với người bạn đời, chắc chắn lời xin lỗi không phải là điều khó nói. Đừng lo việc xin lỗi sẽ khiến mình kém chuẩn men, ngược lại, nó còn chứng tỏ khí chất của một người đàn ông thực thụ.

Lê Minh