Thị trường Mỹ lên điểm bất chấp suy giảm toàn cầu

(Dân trí) - Cổ phiếu nhóm ngành y tế tăng mạnh sau khi Hạ viện thông qua dự luật cải tổ ngành y tế quan trọng, các chuyên gia nâng hạng đối với một số cổ phiếu như Boeing hay Citigroup.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên mức 1.165,81 điểm tính đến 4h chiều tại thị trường New York. Trước đó trong phiên giao dịch đã có lúc chỉ số giảm 0,6%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 43,91 điểm tương đương 0,4% lên mức 10.785,89 điểm.

Thị trường Mỹ giảm điểm vào đầu phiên giao dịch bởi những lo lắng ngày một lớn liên quan đến thâm hụt ngân sách của chính phủ trên toàn thế giới.

Theo cảnh báo của phó  giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - ông John Lipsky, nhóm nền kinh tế phát triển sẽ đương đầu với không ít khó khăn từ vấn đề nợ công và việc rút đi kế hoạch kích thích kinh tế sẽ chưa thể sớm đưa thâm hụt ngân sách trở lại mức an toàn.

Ông John Lipsky đưa ra nhận định trên tại diễn đàn phát triển kinh tế ở Bắc Kinh - Trung Quốc.

Ngân hàng Dự trữ  Ấn Độ nâng lãi suất sau khi thị trường tài chính nước này đóng cửa ngày 19/03/2010, quyết  định nâng lãi suất này đã diễn ra 1 tháng trước buổi họp bàn về hướng đi của chính sách tiền tệ  tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.

Những nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Úc và Malaysia cũng đã nâng lãi suất từ cuối tháng 2/2010 còn Trung Quốc  đã 2 lần yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự  trữ bắt buộc trong năm nay.

Cổ phiếu nhóm ngành y tế thuộc chỉ số  S&P 500 tăng 0,6%. Cổ phiếu Tenet Healthcare, một công ty điều hành các bệnh viện lớn, tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, mức tăng đạt 9% lên mức 6,27USD/cổ phiếu. Cổ phiếu một số công ty lớn khác trong lĩnh vực y tế như Bristol-Myers và Pfizer tăng ít nhất 1,4%.

Cổ phiếu các công ty bảo hiểm trong đó có Well Point và Humana giảm hơn 1%.

Hạ viện Mỹ chấp thuận dự thảo cải tổ ngành y tế vào tháng 12/2009 và sau đó bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận/chống 220 - 211 để chấp thuận cho dự thảo sửa đổi. Sau đó Thượng viện Mỹ cũng cần bỏ phiếu thông qua dự thảo lần hai này. Dự thảo cải tổ ngành y tế dự kiến tiêu tốn 940 tỷ USD trong 10 năm và giúp 32 triệu người Mỹ không thuộc diện được bảo hiểm sẽ được hỗ trợ thuốc men, y tế.

Theo các chuyên gia thuộc Credit Suisse, việc dự thảo cải tổ ngành y tế được thông qua sẽ mang đến thay đổi lớn trong ngành y tế và được thị trường lạc quan đón nhận.

Ngọc Diệp
Theo Bloomberg, CNNMoney