Thị trường Mỹ có 3 ngày mất điểm mạnh
(Dân trí) - Cổ phiếu tài chính bị bán tháo bởi thị trường lo lắng về kế hoạch của Tổng thống Obama đối với các ngân hàng. Thị trường thất vọng với lợi nhuận của Google. Phiên cuối tuần, chỉ số S&P 500 giảm 2,2% xuống mức 1.091,76 điểm tại thị trường New York.
Mức giảm của chỉ số S&P 500 trong 3 ngày giao dịch vừa qua là lớn nhất tính từ khi chỉ số rơi xuống mức đáy trong 12 năm thiết lập vào tháng 3/2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tệ hại nhất từ thời Đại Suy thoái.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 216,9 điểm tương đương 2,1% xuống mức 10.172,98 điểm. Chỉ số VIX hay còn gọi là chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng 55% lên mức 27,31 điểm trong 3 ngày qua và như vậy có mức tăng mạnh nhất từ năm 2007.
Cổ phiếu ngành tài chính bị bán tháo. Cổ phiếu Morgan Stanley hạ 5,3%. Cổ phiếu Bank of America hạ 3,7%. Cổ phiếu Goldman Sachs hạ 4,2%.
Chỉ số S&P 500 của nhóm ngành tài chính giảm 6,1% trong 2 ngày qua, mức giảm sâu nhất từ tháng 9/2009.
Tổng thống Obama mới đây đã kêu gọi hạn chế quy mô và hoạt động của các tổ chức tài chính như một cách giảm thiểu các hoạt động kinh doanh rủi ro, ngăn một cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Dự thảo này của Tổng thống Obama đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Các ngân hàng sẽ bị cấm tham gia các hoạt động kinh doanh rủi ro, sở hữu các quỹ đầu cơ, quỹ chứng khoán.
Bà Meredith Whitney, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ và cũng là người từng dự đoán đúng việc Citigroup buộc phải hạ cổ tức năm 2008, cho rằng kế hoạch của Tổng thống Obama chắc chắn sẽ được chấp thuận và vì thế sẽ giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Ông Kevin Shacknofsky, chuyên gia quản lý quỹ tại Alpine Mutual Funds ở New York, nhận xét: “Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu tài chính bởi họ cho rằng chính phủ Mỹ đang khởi động cuộc chiến đối với các ngân hàng. Các ngân hàng đã trở thành chủ đề chính của giới chính trị trong năm 2010 và vì thế điều này sẽ gây áp lực lên cổ phiếu ngân hàng cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2010.”
Chủ tịch Morgan Stanley tại châu Á, ông Stephen Roach cho rằng kế hoạch của Tổng thống Obama khiến các ngân hàng chịu thiệt thòi quá nhiều và kêu gọi giới chính trị đưa ra kế hoạch mới cân bằng hơn. Theo dự thảo của Tổng thống Obama, các ngân hàng có thể bán đi một số bộ phận kinh doanh chứng khoán và ngừng đầu tư vào một số loại hình khác.
Cổ phiếu tài chính tiếp tục giảm điểm sâu khi hai thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ không ủng hộ việc Chủ tịch FED tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ bắt đầu vào ngày 01/02.
Rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ năm 2010 là giới chức kinh tế hàng đầu có thể rút đi kế hoạch kích thích thông qua việc điều tiết, ngoài ra có thể sẽ nâng lãi suất ngay cả trước khi kế hoạch kích cầu thực sự phát huy tác dụng đối với thị trường việc làm.
Cổ phiếu Google giảm 5,7%, mức giảm sâu nhất từ tháng 3/2009 xuống mức 550,01USD/cổ phiếu. Hãng sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất này cho biết doanh số không tính tiền chuyển cho bên đối tác tăng 13% lên mức 4,95 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này không đạt kỳ vọng 17% của giới chuyên gia.
Cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm tới 12%, mức giảm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500.
Hãng sản xuất thiết bị xử lý trong máy tính cá nhân lớn này đang gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng doanh số. Một số nhà đầu tư lo lắng nhu cầu máy tính cá nhân có thể giảm, cổ phiếu hãng này vì thế trở nên quá đắt đỏ.
Báo cáo mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất của Philadelphia tháng 1/2010 tăng trưởng đến tháng thứ 5 liên tiếp, tình hình sản xuất của các nhà máy đang hồi phục, kinh tế nhờ thế thoát ra khỏi suy thoái.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 4,8% từ khi Alcoa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2009 gây thất vọng. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ tăng trưởng 73% trong quý 4/2009. Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã đi xuống 9 quý liên tiếp.
Ngọc Diệp
Theo Bloomberg, CNNMoney