Đảo chiều tăng điểm trong giờ giao dịch cuối
(Dân trí) - Cổ phiếu tài chính tăng mạnh giúp thị trường lên điểm. Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng tiêu dùng cũng tăng điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên mức 1.150,51 điểm tại thị trường New York, trong phiên giao dịch đã có lúc chỉ số giảm khoảng 0,7%.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 17,46 điểm tương đương 0,2% lên mức 10.642,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,45 điểm tương đương 0,23% xuống mức 2.363,21 điểm.
Phiên hôm qua, các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên. Đà giảm điểm duy trì trong phần lớn phiên giao dịch.
Từ khoảng 3 giờ chiều, đà giảm điểm của các chỉ số giảm bớt bởi báo cáo cho thấy sản xuất công nghiệp tại khu vực New York tăng trưởng đến tháng thứ 8 liên tiếp. Nhà đầu tư chờ đợi tuyên bố của FED về vấn đề lãi suất và triển vọng kinh tế công bố ngày hôm nay.
Từ ngày 8/2/2010, chỉ số S&P 500 đã tăng 8,9%, cổ phiếu các nhóm ngành đã tăng điểm mạnh trong năm ngoái tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.
Cổ phiếu nhóm ngành tài chính đã tăng 14% trong 5 tuần qua và tăng được 149% từ mức thấp nhất trong 12 năm thiết lập vào tháng 3/2009. Cổ phiếu các công ty thuộc nhóm ngành công nghiệp và tiêu dùng tăng mạnh, mức tăng điểm đạt 12% sau khi đã tăng gấp đôi so với mức thấp thiết lập tháng 3/2009.
Phiên giao dịch ngày thứ Hai, nhà đầu tư thận trọng trước thêm buổi họp của FED về vấn đề lãi suất và nền kinh tế. Trong ngày hôm qua, các chuyên gia đã nâng xếp hạng đối với cổ phiếu Wal-Mart, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhờ thế đón nhận yếu tố lạc quan để tăng điểm.
Nhà đầu tư chờ đợi tuyên bố của FED sau buổi họp ngày hôm nay về hướng diễn biến của nền kinh tế và kế hoạch đối với lãi suất cơ bản. Các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục.
Dù nhà đầu tư bao lâu nay vẫn biết về việc cuối cùng lãi suất cũng sẽ tăng, bất kỳ dấu hiệu nào về việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán.
Ông Scot Johnson, chuyên gia quản lý quỹ tại Invesco Fixed Income ở Houston, nhận xét: “Thị trường đang hy vọng vào khả năng họ sẽ có được cái mốc cụ thể hơn về việc khi nào chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt. Tôi không nghĩ họ sẽ có được điều đó”.
Không khí thận trọng trên thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như đồng USD tăng giá. Đồng USD tăng ảnh hưởng xấu đến giá năng lượng và cổ phiếu các công ty năng lượng.
Một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong ngày thứ Hai còn là phản ứng với thông tin kinh tế từ Trung Quốc. Thị trường lo lắng về việc nỗ lực làm dịu đà tăng trưởng nóng của nền kinh tế và giảm lạm phát sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cho rằng nợ tại Mỹ và Anh ngày một chồng chất. Nhóm nước này hiện đang nắm xếp hạng tín dụng AAA. Việc hạ xếp hạng sẽ khiến chính phủ hai nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vay tiền.
Báo cáo mới cho thấy sản xuất tại khu vực New York tháng 3/2010 đã chững lại. Chỉ số Empire State của lĩnh vực sản xuất tại New York giảm xuống mức 22,9 trong tháng 3/2010 từ mức 24,9. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo chỉ số giảm xuống mức 21,5.
Phiên ngày thứ Hai, trong phiên nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu tài chính ở thời điểm trước khi Thượng nghị sỹ Chris Dodd công bố kế hoạch cải tổ ngành tài chính. Cứ 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 2 cổ phiếu tăng điểm trên sàn New York, khối lượng giao dịch lên mức 4,2 tỷ cổ phiếu từ mức 4,9 tỷ cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Chỉ số FTSE của thị trường Anh giảm 0,6%, chỉ số DAX của thị trường Đức giảm 0,7%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp giảm 0,9%, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng chưa đầy 0,1%.
Ngọc Diệp
Theo CNNMoney, WSJ