40 năm giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2015):
Xúc động tưởng nhớ các thế hệ hy sinh cho non sông giải phóng
(Dân trí) - Sáng 26/3, tại Sân vận động Tự Do (TP Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng kỷ niệm 40 năm ngày toàn tỉnh được giải phóng (26/3/1975-26/3/2015).
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khái quát lại toàn bộ chiến thắng vẻ vang cách đây 40 năm. Chỉ trong 22 ngày đêm, quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng với lực lượng của Quân đoàn II, Quân khu Trị Thiên và các đơn vị chủ lực Bộ Quốc phòng tấn công địch từ bên ngoài, nổi dậy từ bên trong, tạo thành các mũi giáp công, đập tan hệ thống quân sự trọng yếu, tấm lá chắn của quân Ngụy ở phía Bắc, giành quyền làm chủ.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh nhà
Đúng 6h30’ ngày 26/3/1975, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta tung bay trên Kỳ Đài – Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng, là đòn “tiến công quyết định” góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xúc động ôn lại, tri ân các thế hệ đã ngã xuống cho tỉnh nhà, đất nước có được độc lập hôm nay. “Hình ảnh các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, đặc công, công binh, biệt động, du kích mưu trí, dũng cảm; hình ảnh những công nhân, chị em tiểu thương, trí thức, học sinh, sinh viên, tăng ni phật tử bao lần vùng lên tranh đấu với sức mạnh như thác đổ triều dâng làm nên phong trào đấu tranh đô thị;
Hình ảnh những bà mẹ, những gia đình cơ sở cách mạng không sợ cảnh tra tấn tù đày, dũng cảm cất giấu vũ khí, kiên trung đùm bọc chở che, nuôi nấng các đồng chí lãnh đạo và lực lượng cách mạng hoạt động ngày đêm ngay giữa lòng địch; hình ảnh các đồng bào các dân tộc gùi lương, tải đạn ra chiến trường bất chấp mưa bom bão đạn; ăn rau, khoai sắn để dành gạo cho cách mạng là những hình ảnh mà mỗi chúng ta khắc cốt ghi tâm, không sao quên được”.
Các đại biểu làm lễ chào cờ
Để có được niềm vui của ngày hôm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 100 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương bệnh binh, 1.242 bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 22 Anh hùng lực lượng vũ trang, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, 30 nghìn người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Sau 40 năm, Huế hiện tại đã có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân hơn 10% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực “du lịch, dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp”. Ngành mạnh nhất của tỉnh là du lịch, dịch vụ, chiếm 55,3% GDP của Huế. Tổng thu ngân sách 2014 gần 5.000 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian tới sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, lấy dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển, phát triển công nghiệp làm động lực đóng góp;Xây dựng Huế theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường”; Tiếp tục xây dựng tỉnh là trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa du lịch; Xây dựng hoàn thiện là trung tâm y tế chuyên sâu sớm trở thành thương hiệu quốc tế; Phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ, coi đây là hướng đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kinh tế tri thức…
Những hình ảnh trong buổi lễ kỷ niệm sáng nay:
Sân vận động Tự Do Huế rợp cờ hoa, băng rôn đỏ
Tái hiện lịch sử qua chương trình văn nghệ
Đại hoạt cảnh quân và dân cùng chiến đấu
Ngày chiến thắng, mẹ cầm hoa tìm con nhưng không thấy. Hàng vạn người con là chiến sĩ đã ngã xuống chiến trường để non sông có được độc lập ngày hôm nay
Cờ giải phóng tung bay trên thành Huế cách đây 40 năm về trước.
Mừng tủi pha trộn khi được gặp lại mẹ già ngày Độc lập.
Đại Dương