Xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới trong tương lai
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao...
Trình bày tờ trình về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với những quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng nêu trong Hiến pháp 2013.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh.
Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh.
“Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật quốc phòng tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết”- Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ được xây dựng theo hướng là luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
Đồng thời nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề nghị được rút ra từ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng hiện hành để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi. Nghiên cứu có chọn lọc Luật Quốc phòng của một số nước trên thế giới, vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta.
Theo ông Ngô Xuân Lịch, quá trình soạn thảo, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức và cá nhân, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội vấn đề về quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có Cơ quan Thường trực giúp việc.
Loại ý kiến thứ nhất: Quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có Cơ quan Thường trực giúp việc, theo hướng “Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cơ quan Thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định”.
Loại ý kiến thứ hai: Hội đồng quốc phòng và an ninh có cơ quan giúp việc, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước phụ trách.
Theo ông Lịch, Chính phủ đề nghị lựa chọn loại ý kiến thứ nhất vì 3 lý do.
Thứ nhất, theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về đường lối, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Quyết định số 1188/2014 của Chủ tịch nước quy định, Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, không quy định chức năng tham mưu các vấn đề về lĩnh vực quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, quá trình gửi xin ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và khảo sát ở một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng đều nhất trí, Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực giúp việc của Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cơ quan Thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật: Luật dân quân tự vệ, Luật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Luật về lực lượng dự bị động viên.
Thế Kha