“Xử phạt báo chí rất đau lòng, nhưng cần thiết”
(Dân trí) - “Năm 2016, cũng là năm cơ quan quản lý nhà nước có tiến bộ bước đầu trong công tác quản lý xử lý nghiêm đối với các sai phạm của báo chí. Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.
Chiều 18/1/2017, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng hơn 650 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Báo chí vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương - Võ Văn Thưởng khẳng định, trong năm qua, mặc dù có một số vụ việc về hoạt động báo chí, nhưng nhìn chung báo chí đất nước đã vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Hoạt động báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí cũng đã có những bước tiến mới. Với việc xử lý mạnh tay một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, đó là việc không ai muốn, nhưng phải làm, là “sự đau lòng cần thiết” để làm trong sạch hoạt động báo chí hiện nay.
“Năm 2016, cũng là năm cơ quan quản lý nhà nước có tiến bộ bước đầu trong công tác quản lý xử lý nghiêm đối với các sai phạm của báo chí. Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông”, ông Thưởng nói.
Dẫn lại việc xử lý vi phạm trong thông tin vụ nước mắm, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đặt vấn đề, xử báo chí xong rồi thì xử Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người người tiêu dùng ra sao, Chính phủ giao Bộ Công an điều tra kết quả như thế nào, ai đứng sau sự việc? Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo cũng nhắc nhở một số cơ quan báo chí chưa tích cực tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, chưa phát hiện biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, thiếu sắc bén trong đấu tranh, chưa mạnh dạn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Lưu ý một số nhiệm vụ trong năm 2017, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Võ Văn Thưởng nhắc các cơ quan quản lý báo chí cố gắng làm sớm quy hoạch báo chí. Đồng thời rà soát xem xét xử lý thỏa đáng trang tin điện tử, báo điện tử vi phạm, làm rõ vấn đề bán sóng, bán kênh bản chất là gì; lưu ý đến vấn đề kinh tế truyền thông, kinh tế báo chí.
Trưởng ban Tuyên giáo cũng đề nghị quan tâm hơn công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất của người làm báo; song song đó là triển khai quy chế đạo đức nhà báo. Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan lưu ý câu chuyện trách nhiệm của người phát ngôn và phát ngôn có trách nhiệm.
Uốn nắn, răn đe để báo chí hoạt động tốt hơn
Báo cáo tổng kết tại hội nghị do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trình bày cho biết, về cơ bản, trong năm 2016 các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin kịp thời, trung thực toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm, tập trung ở các dạng sai phạm như: Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép hoạt động; Thông tin phiến diện, đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả chi tiết các hành vi tội ác, mê tín dị đoan; Thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng xuyên tạc.
Đặc biệt là tình trạng thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Điển hình là vụ thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín và vụ việc cậu bé lớp 6 ở Gia Lai tự tử. Cùng với đó là tình trạng vi phạm về bản quyền báo chí, nhất là ở báo điện tử và báo hình…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong năm qua, vấn đề báo chí phản biện, góp phần xây dựng chính sách đã có bước phát triển mới, nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục, qua đó giúp Chính phủ ban hành, điều chỉnh những chính sách phù hợp với tình hình đất nước, được người dân ủng hộ.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức đối với hoạt động báo chí hiện nay. Đó là hầu hết các cơ quan báo chí không còn được bao cấp, phải chạy theo thương mại, kinh tế. Công nghệ thông tin, Internet phát triển mạnh mẽ đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống, báo điện tử và mạng xã hội.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý quyết liệt một số cơ quan báo chí vi phạm pháp luật; nhưng đó là việc làm uốn nắn, răn đe, nhằm để báo chí nước nhà hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời phải thích ứng việc xử lý các sự cố về thông tin một cách nhạy bén, kịp thời và đúng đắn nhất.
Kiểm soát, phát huy tương tác quyết định sự thành bại của báo điện tử
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí trao đổi về nội dung “Quản trị comment trên báo điện tử: Thách thức và Giải pháp”. Theo ông Phạm Huy Hoàn từ khi Internet phát triển, tương tác thông qua mạng xã hội là một hình thức tương tác rất phổ biến. Hiện nay, tính riêng Việt Nam thì trong khoảng trên 47 triệu người dùng Internet, có tới 34 triệu người dùng Facebook nên độ phủ của Facebook là rất lớn.
“Mạng xã hội này đang có những lợi thế mà không tờ báo nào có được. Vì vậy, việc một số tờ báo điện tử thông qua Facebook đưa Fanpage của báo vào mạng xã hội để có tương tác với bạn đọc đang trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến”, ông Phạm Huy Hoàn nói.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí phát biểu tham luận tại hội nghị
Về tương tác qua Comment trên từng bài viết, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cho rằng, đây là tương tác có nhiều nội dung cần được quan tâm nhất. Bình luận (Comment) trên từng bài viết là một môi trường tương tác mà bạn đọc yêu thích muốn bày tỏ quan điểm. Thông qua môi trường này, bạn đọc tương tác với nhau, thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối, tranh luận với nhau xung quanh vấn đề của bài báo hay thậm chí là vì những vấn đề chỉ là của cá nhân họ với nhau. Có thể tương tác qua comment trao đổi đúng - sai về nghiệp vụ, về học thuật trên từng bài viết.
“Đây cũng có thể là điểm tương tác giữa các vị lãnh đạo đất nước với người dân. Có cả vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng trực tiếp tham gia comment trên Dân trí như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiều lần nhắn tin cho tôi về comment trên các bài viết của Dân trí mà Chủ tịch quan tâm. Tôi đã trực tiếp in, có lần gửi tận tay Chủ tịch, có lần gửi qua trợ lý của Chủ tịch. Cách đây chưa lâu, anh Tư Sang khi đọc được comment trên một bài viết (của phóng viên Bùi Hoàng Tám) trên mục Blog thấy bạn đọc hỏi “không biết Chủ tịch nước có đọc Comment của chúng tôi?”, anh Tư Sang đã đọc được và nhắn ngay tin giao cho tôi chuyển lời cảm ơn của anh tới bạn đọc Dân trí. Comment của anh Tư Sang đã được lên trang bình dị xen giữa comment của bạn đọc Dân trí”, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn chia sẻ.
Ngày nay, hầu hết các báo điện tử đều muốn có sự tương tác với bạn đọc thông qua mạng xã hội và điển hình là Facebook. Các báo điện tử đều xây dựng fanpage, nhúng plugin Thích (like), Chia sẻ (share) bài viết lên các mạng xã hội này.
Ưu điểm cơ bản của Facebook đó là số lượng người dùng rất lớn. Điều này dẫn đến khả năng Facebook đã thao túng và tạo quyền ra luật chơi đối với người dùng và các nhà phát hành (các đơn vị cung cấp nội dung). Vấn đề này, được ông Phạm Huy Hoàn nhận định sẽ là một rủi ro lớn đối với các báo điện tử, khi sự phát triển của báo điện tử bị phụ thuộc vào Facebook, nếu có biến cố xảy ra, báo điện tử sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Một ví dụ điển hình nhất của rủi ro do sự tương tác trên mạng xã hội mang tới, được ông Phạm Huy Hoàn nhắc đến, đó là hàng loạt Fanpege của một số báo điện tử lớn ở Việt Nam (trong đó có báo điện tử Dân trí) trong năm 2016 đã phải tạm dừng để củng cố lại phần công nghệ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các comment trên báo Dân trí ở mạng xã hội.
Từ những phân tích trên, ông Phạm Huy Hoàn cho biết, vai trò, lợi ích và tiềm năng của tính tương tác đối với các báo điện tử là một phần quan trọng, không thể thiếu. Tuy nhiên, những mặt trái, rủi ro, thách thức của nó cũng không ít. Sự thành công hay thất bại của một báo điện tử còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát và phát huy tính tương tác. Thách thức này không phải chỉ riêng với báo điện tử của Việt Nam, mà là vấn đề quan trọng với các báo điện tử trên toàn thế giới. Với lượng comment khổng lồ, chi phí để xử lý các comment “xấu” rất tốn kém.
Từ kinh nghiệm trên tờ báo của mình, ông Phạm Huy Hoàn chia sẻ, báo Dân trí đã sớm nhận thức sự cần thiết của việc quản lý, xử lý comment. Thời gian đầu Ban Biên tập giao cho các Thư ký tòa soạn. Khi lượng comment tăng lên, việc duyệt comment chuyển về từng phòng ban nghiệp vụ. Khi số lượng comment tiếp tục tăng nhanh, Ban Biên tập đã thành lập Ban duyệt comment do nhà báo đã từng làm Tổng Biên tập có nhiều kinh nghiệm xử lý thông tin.
Kết lại bài phát biểu của mình, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí chia sẻ, với báo điện tử, việc kiểm soát bình luận trên mặt báo và trên mạng xã hội là một việc dễ mang lại rủi ro nhất, bởi số lượng bình luận và người tham gia bình luật rất lớn. Việc kiểm soát đòi hỏi một nguồn lực lớn về con người và công việc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
“Để làm được việc này, các báo điện tử cần nguồn đầu tư lớn về con người và công nghệ, trong đó nguồn lực con người đóng vai trò quyết định và công nghệ là trợ thủ đắc lực. Do vậy, theo tôi mỗi báo điện tử với đặc điểm riêng của mình, với tôn chỉ mục đích riêng của mình, cần đầu tư cho việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tìm ra định hướng riêng cho việc tương tác để phù hợp với thực tế, nguồn lực và tiềm năng của chính mình”, Nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí nhận định.
Quang Phong