Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng là lời cảnh tỉnh với người có quyền lực
(Dân trí) - Đại biểu Lê Thanh Vân (uỷ viên thường trực UB Tài chính-Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, những dấu hiệu sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã rõ, nếu chỉ xử lý hành chính là… quá nhẹ. Vụ việc của ông Hoàng là lời cảnh tỉnh cho những người đang có điều kiện sử dụng quyền lực.
Ông bình luận thế nào về kết quả kiểm tra, kết luận về những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng mà UB kiểm tra TƯ đã thông báo công khai?
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc làm rõ những dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng sau khi có kết luận của UB Kiểm tra TƯ bởi kết luận của UB Kiểm tra TƯ là xử lý về mặt Đảng. Nhưng Đảng không quyết thay việc của Nhà nước là áp trách nhiệm hành chính, dân sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân có liên quan hay không. Công việc đó, thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà cụ thể là các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các cơ quan này phải vào cuộc để xem xét các yếu tố, dấu hiệu vi phạm cấu thành lỗi vi phạm hành chính, hay cấu thành vi phạm hình sự… để xử lý.
Có ý kiến cho rằng cần mở ra một vụ án, khởi tố, điều tra thì mới xác định được mức độ, phạm vi trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng với những vụ việc xảy ra tại Bộ Công thương khi ông còn đương chức. Ý kiến của ông về việc này?
Kết luận của UB Kiểm tra TƯ cho thấy những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng tương đối rõ. Theo tôi, cơ quan pháp luật cần xem xét những dấu hiệu vi phạm được chỉ ra đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm chưa. Về mặt chủ thể, cá nhân đã thể hiện động cơ, mục đích khi vi phạm pháp luật. Về mặt chủ quan, người đó đã thôi thúc, sử dụng các cách thức để đạt được mục đích đề ra, bất chấp các quy định của pháp luật cũng như hậu quả có thể xảy ra. Về mặt khách thể, các lợi ích mà nhà nước bảo vệ như trật tự quản lý nhà nước bị xâm hại. Thực tế chúng ta đều thấy, chỉ riêng hậu quả kinh tế do PVC và Trịnh Xuân Thanh gây ra đã thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.
Tất cả những điều đó cho thấy, nếu chỉ xử ông Vũ Huy Hoàng về mặt hành chính là quá nhẹ.
Cụ thể, việc bổ nhiệm con trai vào các chức vụ, cao nhất là lãnh đạo Sabeco của ông Vũ Huy Hoàng, UB Kiểm tra TƯ khẳng định là vi phạm các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Dư luận thì rõ ràng có quyền nghi ngờ khi bố lại bổ nhiệm con vào một vị trí được xem là rất “đắt giá”?
UB Kiểm tra TƯ đã xem xét kỹ lưỡng và kết luận như vậy trên cơ sở xác định những hành vi, hậu quả đã xảy ra. Những dấu hiệu để cơ quan kiểm tra của Đảng xác định là, một người là bố lại bổ nhiệm con, nếu người con đó thực sự là tài, có tư duy, phẩm chất nổi bật, ưu tú thì chắc dư luận, cơ quan tổ chức ở đơn vị sử dụng cán bộ cũng không phàn nàn gì đâu. Nhưng trường hợp của Vũ Quang Hải, có cả một tập thể là Hiệp hội những nhà đầu tư tài chính (VAFI) liên tục phản ứng trong thời gian dài.
Vậy thì cần phải xem xét lại người được bổ nhiệm này có xứng đáng không. Có lẽ vì không xứng đáng nên người ta mới đặt vấn đề có can thiệp, từ hệ thống điều hành của mình, ông Hoàng đã tạo ra sự thuận lợi, làm bệ đỡ cho Vũ Quang Hải lên chức liên tục trong thời gian chưa dài.
Còn với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, kết luận của UB Kiểm tra nêu rõ là, mặc dù biết ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm nhưng nguyên Bộ trưởng Công thương vẫn cố tình thực hiện các quy trình cán bộ với người này. Vậy quy định pháp luật nào điều chỉnh việc này, để xử lý được sai phạm?
Trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, như báo chí thông tin, người này đã có những dấu hiệu vi phạm từ lâu, đáng ra các cơ quan đã có cơ hội ngăn chặn sự xâm nhập của người này vào hệ thống. Thế nhưng, hoạt động của Trịnh Xuân Thanh không những không bị ngăn chặn mà còn có cá nhân nào đó, tập thể nào đó giúp “hợp thức hoá” để người này lọt được lưới trong hoạt động rà soát, kiểm tra cán bộ để được bố trí, luân chuyển từ cơ quan này sang cơ quan kia theo chiều hướng đi lên.
Giờ nếu lật ngược lại hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh thì có thể “duy danh định nghĩa”, “chỉ mặt đặt tên” rất cụ thể các cá nhân, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm. Tôi nghĩ việc này không khó, vấn đề là cơ quan pháp luật phải vào cuộc để trả lời cho công luận người dân.
Với những vi phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ như thế của ông Vũ Huy Hoàng, dư luận đặt câu hỏi, những quyết định bổ nhiệm không đúng đó có cần thiết phải được khắc phục, giải quyết thế nào?
Tôi nghĩ khi đã làm rõ, khẳng định được hành vi trái pháp luật thì hoặc phải thu hồi hủy bỏ các quyết định sai trái về bổ nhiệm nhân sự và xem xét mức độ thiệt hại để thu hồi tài sản.
Từ vụ việc của một vị nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ khóa trước tới vụ nguyên Bộ trưởng Công Thương xảy ra khóa này, dường như chỉ khi các Bộ trưởng, Trưởng ngành về hưu thì các sai phạm mới lộ ra, được làm rõ. Cơ chế giám sát tại các bộ ngành quản lý nhà nước có vẻ còn rất lỏng lẻo, thưa ông?
Tôi nghĩ hiện tượng vi phạm pháp luật của những vị giữ trọng trách trong các cơ quan nhà nước, ngay ở trong Đảng và nhà nước có nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là do quy định của Đảng, quy phạm pháp luật của nhà nước có kẽ hở, chưa chặt chẽ nên những người đó có cơ hội để lợi dụng.
Cơ chế kiểm soát nội bộ, kiểm soát bên trong của hệ thống cũng có vấn đề, có nghĩa là tính đấu tranh của tập thể, sự ngăn chặn của tập thể với hành vi vi phạm của cá nhân làm chưa tốt. Hoạt động của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan cấp trên với cấp dưới, cơ quan ngang cấp có thẩm quyền giám sát… cũng chưa chuẩn nên mới để lọt những người lạm dụng quyền lực, lạm dụng quy định để làm những việc có lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình.
Với ông Hoàng, hình thức kỷ luật về Đảng được đề xuất là cảnh cáo khi vị cựu Bộ trưởng đã về hưu có ý nghĩa thế nào lúc này, thưa ông?
Một Đảng viên tham gia tổ chức Đảng đều phải thực hiện lời dưới cờ Đảng là phục vụ tôn chỉ mục đích mà Đảng theo đuổi và cam kết chấp hành quy định về những việc không được làm. Ông Vũ Huy Hoàng đã có vi phạm, không chỉ làm sai lời thề của mình khi vào Đảng mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng. Tôi nghĩ, UB kiểm tra TƯ đã xem xét kỹ lưỡng mới chọn hình thức cảnh cáo với ông ấy.
Việc đó, với ông Hoàng, có ý nghĩa là sự trừng phạt của Đảng, là lời nhắc nhở, răn đe của Đảng đối với thành viên của mình. Với xã hội, việc này có tác động để dư luận thấy được sự nghiêm minh của Đảng trong việc quản lý cán bộ, Đảng viên.
Tôi nghĩ sự việc của ông Hoàng là lời cảnh tỉnh để những người có điều kiện sử dụng quyền lực như ông Hoàng đừng bao giờ lạm dụng quyền lực nữa. Nhưng trường hợp của ông Hoàng tôi cho không phải là duy nhất. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra để làm rõ hành vi của những cán bộ có chức vụ tương đương ông Hoàng ở TƯ, địa phương thì không phải ít đâu.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo