Việt Nam-Thái Lan đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược
(Dân trí) - Việt Nam-Thái Lan đã nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, với các định hướng cụ thể cho quan hệ hợp tác thực chất trên lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế...
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa, kết quả nổi bật về chuyến thăm tới Thái Lan vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa, những kết quả nổi bật đạt được trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Thái Lan và đồng chủ trì Cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3?
Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Thái Lan ngày 23/7/2015; đồng thời họp Nội các chung giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức song phương đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ và cuộc Họp nội các chung đầu tiên kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 6/2013.
Trong một thời gian ngắn, trong ngày 23/7, chương trình của Thủ tướng Chính phủ đã bao gồm rất nhiều hoạt động: họp hẹp, hội đàm giữa hai Thủ tướng, họp Nội các chung, gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái Lan, gặp Công chúa Thái Lan, đại diện cho Nhà Vua và Hoàng gia Thái Lan, phát biểu tại Đối thoại Doanh nghiệp, gặp một số doanh nghiệp lớn của Thái Lan, nói chuyện với cộng đồng người Việt, Việt kiều tại Thái Lan.
Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam, cuộc họp Nội các chung giữa hai nước đã thành công tốt đẹp. Hai nước đã ký những văn kiện rất quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố chung Họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan “Bước vào thập kỷ thứ 5 quan hệ Việt Nam-Thái Lan: Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường”.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời, hai nước cũng đứng trước nhu cầu giải quyết nhiều nhiệm vụ mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong nội dung trao đổi tại hội đàm, trong Tuyên bố chung, trong Thông cáo báo chí, hai bên đều khẳng định quan hệ hai nước trong thời gian qua đã phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.
Hai nước đã nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, với các định hướng cụ thể cho quan hệ hợp tác thực chất trên lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế.
Trong lĩnh vực chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018; nâng cao chất lượng của các cơ chế hợp tác.
Về hợp tác an ninh và quốc phòng, hai nước sẽ thành lập ủy ban an ninh chung, tăng cường hợp tác, phối hợp ở các cấp; thành lập cơ chế hợp tác mới như Nhóm công tác chung hợp tác trong việc chống đánh bắt cá trái phép. Hai Thủ tướng đồng ý giao cho các cơ quan chức năng liên quan lập đường dây nóng để trao đổi về vấn đề này. Sẽ có đối thoại hàng năm giữa Bộ Công an và đốit ác của bạn. Hai bên khẳng định cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Về kinh tế, thương mại hai nước tăng trưởng 10-13% một năm. Thái Lan đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu trong số các nước ASEAN tại Việt Nam. Hiện nay, các dự án đầu tư của Thái Lan có mặt ở 30 tỉnh tại Việt Nam. Hai bên đang thúc đẩy các dự án lớn ở Bình Định, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu các dự án được thông qua, Thái Lan có thể vươn lên là nước có vốn đầu tư lớn thứ 8 ở Việt Nam. Hai nước đã đưa ra mục tiêu 20 tỷ thương mại vào năm 2020; mở cơ chế tham vấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy đầu tư; xem xét sử dụng đồng bạt Thái và đồng Việt trong giao dịch thương mại và đầu tư.
Về nông nghiệp, khoa học, công nghệ, hai bên nhất trí nâng cao khả năng phối hợp công tác, kiểm soát an toàn thực phẩm, về trái cây xuất khẩu giữa hai nước; hợp tác công nghệ sau khi thu hoạch nông sản. Hai nước cũng sẽ sớm ký thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ.
Về hợp tác văn hóa-xã hội, hai bên nhất trí với chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2015 – 2016, tăng cường kết nối du lịch, chương trình du lịch hai nước 2015-2016; có nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa, thể thao giữa hai nước; thúc đẩy dạy ngôn ngữ của nhau, triển khai mở các trung tâm dạy tiếng Việt, tiếng Thái; đặc biệt là Thái Lan sẽ hỗ trợ việc dạy tiếng Việt ở Thái Lan cho Việt kiều và cả người Thái Lan.
Trong họp hẹp và trong trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu về hợp tác lao động tại địa bàn và rất được phía bạn hoan nghênh. Hai bên ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động, trong đó có điều khoản hợp pháp hóa cho đăng ký lao động Việt Nam; thỏa thuận tuyển dụng lao động trong hai nghề là nghề cá và nghề xây dựng, góp phần tạo điều kiện đưa hợp tác lao động giữa hai nước đi vào khuôn khổ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hai bên.
Lãnh đạo hai nước, các thành viên Nội các đều mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường, vừa có định hướng chung, lại vừa có biện pháp cho từng hoạt động cụ thể.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nước nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp tốt đẹp trên các diễn đàn đa phương như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc; ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về ASEAN, lãnh đạo hai nước đã trao đổi làm sao phát huy hiệu quả khi ASEAN trở thành Cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi và Thủ tướng Thái Lan đã chia sẻ quan tâm của Việt Nam làm sao sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công.
Lãnh đạo hai nước một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, củng cố sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chuyến thăm Thái Lan và họp Nội các chung lần thứ 3 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những định hướng cụ thể, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Thái Lan trong thời gian tới.
Xin Thứ trưởng cho biết những biện pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới nhằm thực hiện những thỏa thuận đạt được tại phiên họp Nội các chung này?
Hai Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có để tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Điều quan trọng là các bộ, ngành, các cấp và địa phương cần tích cực đi vào thực hiện cụ thể. Hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tăng cường sự tin cậy chính trị.
Về hợp tác về kinh tế, đặc biệt là thương mại, lãnh đạo hai nước đã giao cho các bộ ngành chức năng triển khai có hiệu quả các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác kinh doanh… Hợp tác trong các lĩnh vực lao động, giao thông vận tải, xây dựng, văn hóa, xã hội, y tế, khoa học công nghệ cũng sẽ được triển khai đồng bộ.
Hai bên cũng sẽ hết sức quan tâm, cùng trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong triển khai các thỏa thuận, thực hiện các dự án hợp tác, đầu tư, nhằm đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Viêt Nam-Thái Lan.
Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở kết quả chuyến thăm cùng những thành tựu hợp tác trong quan hệ Việt Nam – Thái Lan, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
PV