“Việt Nam ở top 3 các nước có đường cao tốc hiện đại nhất Đông Nam Á”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong 5 năm qua đã được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sáng nay (ngày 22/1) Đại hội dành thời gian để các đại biểu tham luận tại hội trường. Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày tham luận với tiêu đề: "Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh".

 


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

 

Ngành Giao thông vận tải đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thực hiện Nghị quyết của Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trong 5 năm qua đã được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư và đặc biệt kết quả đầu tư đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các vùng miền và cả nước phát triển.

Về đường bộ: Đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm. Đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất, có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng, các đầu mối giao thông đối ngoại trọng yếu.

Đã có trên 700 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt hơn 100 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra). Đây là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam, kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và cửa khẩu quốc tế. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Về hàng không: Hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình tại các cảng hàng không quan trọng, như Nội Bài (nhà ga T2, nhà khách VIP), Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân...; các công trình quản lý hoạt động bay. Đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015.

Giao thông đô thị: Tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là vành đai 3, 4 Hà Nội, vành đai 2, 3 thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu giao thông nội đô, giao thông quá cảnh qua 2 thành phố này được nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Đồng thời, đang phối hợp với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai 6 dự án đường sắt đô thị.

Ngoài ra về đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải đều có những thành quả, tiến bộ khả quan.

Ngành GTVT đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án trong 5 năm qua. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, KCHTGT của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc (năm 2010 mới ở vị trí 103 thì năm 2015 đã đứng ở vị trí 67).

Tập trung trọng yếu vào phát triển đường cao tốc

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra các mục tiêu cơ bản về phát triển KCHTGT giai đoạn 2016-2020 như sau:

Về đường bộ:

- Đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc; Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ; Hoàn thành hơn 600 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến; Hoàn thành các cầu lớn: Đại Ngãi, Vàm Cống, Cao Lãnh, Văn Lang, Bạch Đằng, Bình Ca...; Đầu tư đường hành lang ven biển và đường tuần tra biên giới.

Về đường sắt: Tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Về hàng không: Tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Về hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu container thế hệ mới, đưa tổng công suất các cảng biển đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Về đường thủy nội địa: Đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc; Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; phát triển vận tải sông pha biển.

Về giao thông đô thị: Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống KCHTGT đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

“Với nhận thức rằng, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, tôi trông đợi ở những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống KCHTGT ở Việt Nam”, Bộ trưởng Đinh La Thẳng khẳng định.

Anh Thế - Phúc Hưng (lược ghi)