Việt Nam dự cuộc họp cấp cao lần 8 Diễn đàn Toàn cầu về Di cư

Từ ngày 14-16/10/2015, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra cuộc họp cấp cao lần thứ 8 Diễn đàn Toàn cầu về Di cư và Phát triển (GFMD 8) với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác: Di chuyển con người vì sự phát triển bền vững."

Ảnh minh họa. (Nguồn: www.theguardian.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.theguardian.com)

 

Đây là sự kiện quốc tế lớn về di cư và phát triển được tổ chức ngay sau khi Liên hợp quốc thông qua 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030 và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu đang là vấn đề nóng trên trường nghị sự quốc tế.

Tham dự GFMD 8 có hơn 1.000 đại biểu, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng đến từ 150 quốc gia trên thế giới, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và khối xã hội dân sự.

Đoàn Việt Nam tham dự GFMD 8 gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Việt Nam đối với GFMD và chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề quản lý di cư vì mục tiêu phát triển. Bên lề hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương với Tổng Giám đốc IOM và Tổng Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Chủ tịch GFMD 8.

Với 3 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận bàn tròn và 15 cuộc họp chuyên đề, GFMD 8 tập trung vào các nội dung chính gồm: hợp tác để tăng cường bảo hộ quyền của người di cư; đưa vấn đề di cư vào xây dựng chính sách ở cấp quốc gia và khu vực; các biện pháp để giảm thiểu di cư bắt buộc; giảm thiểu các chi phí liên quan đến di cư; hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân để tạo việc làm cho người di cư và hỗ trợ họ phát triển kinh doanh; bảo vệ người di cư trong thời gian khủng hoảng...

Các đại biểu thừa nhận vai trò của người di cư đối với phát triển và kêu gọi bảo đảm quyền con người và nhân phẩm của người di cư, chống phân biệt chủng tộc, ngăn ngừa bóc lột người nhập cư để bảo đảm lợi ích của người di cư và tối đa hóa sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của cả nước gốc và nước tiếp nhận.

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải biến cam kết thành hành động cụ thể nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuôc khủng hoảng di cư để di cư trở thành sự lựa chọn tự nguyện chứ không phải bị bắt buộc. Các quốc gia cần hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường chia sẻ thông tin về di cư; thực hiện các biện pháp giúp thuận lợi hóa sự di chuyển, bao gồm việc thông thoáng hơn các quy định pháp lý; giảm thiểu chi phí di cư, tạo điều kiện cho người di cư hòa nhập nhanh và chuyển tiền về nước dễ dàng; bảo đảm người di cư được hưởng sự đối xử bình đẳng.

Đại biểu các nước khẳng định tầm quan trọng của GFMD với tư cách là một diễn đàn đối thoại liên quốc gia về di cư, là nơi để các nước chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới phối hợp chính sách và hành động trong quản lý di cư.

Các đại biểu nhất trí giữ nguyên cơ chế của GFMD như hiện nay: là một diễn đàn mở, linh hoạt, không có tính ràng buộc; đồng thời khuyến nghị GFMD cần gắn với các chương trình của Liên hợp quốc, với G20, các diễn đàn khu vực và có sự hợp tác với khu vực tư nhân.

Kết thúc cuộc họp, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức chuyển giao vai trò Chủ tịch GFMD cho Bangladesh. Đức và Maroc cũng chính thức tuyên bố nhận làm Chủ tịch GFMD các năm tiếp theo.

Theo Vietnamplus
http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-du-cuoc-hop-cap-cao-lan-8-dien-dan-toan-cau-ve-di-cu/349872.vnp