Việt Nam bày tỏ lo ngại trước các hoạt động quân sự hóa Biển Đông
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ lo ngại trước các hoạt động tái tạo đảo, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc của DOC, ảnh hưởng bất lợi tới tiến trình đàm phán COC.
Vấn đề nói trên được đưa ra tại Phiên họp lần thứ 15 - cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tại Hồ Nam (Trung Quốc) ngày 27/6. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia phiên họp này.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, SOM-DOC 15 đã trao đổi về tình hình thực hiện DOC, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ và hiệu quả văn kiện này đối với việc duy trì đối thoại hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Các quan chức cấp cao nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ thực hiện DOC, kể cả trên thực địa lẫn trong triển khai các hoạt động hợp tác, coi đây là những đóng góp thực chất của cả hai bên cho khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Cuộc họp cũng đã cập nhật Kế hoạch thực hiện DOC giai đoạn 2016-2018.
Về nội dung văn kiện COC, SOM-DOC 15 xem xét và hoan nghênh kết quả đàm phán tại JWG-DOC 23 và 24, các nước trao đổi quan điểm về COC và cách thức đàm phán văn kiện này, định hướng các bước đi tiếp theo cũng như xây dựng nội dung báo cáo lên PMC ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8/2018 tại Singapore.
Phát biểu tại SOM-DOC, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, hoan nghênh một số kết quả trong việc thực hiện DOC.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ lo ngại trước các hoạt động tái tạo đảo, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc của DOC, ảnh hưởng bất lợi tới tiến trình đàm phán COC.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình trên thực địa, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Về định hướng xây dựng COC, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định các quan điểm của Việt Nam đối với văn kiện này. Theo đó, COC cần có hiệu lực thực thi, có tính ràng buộc về pháp lý và là công cụ điều chỉnh hành vi của các bên trên Biển Đông, có các nội dung phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982, đóng góp thực chất cho việc xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hoạt động dựa trên luật lệ.
ASEAN và Trung Quốc nhất trí cuộc họp tiếp theo của JWG-DOC sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9/2018 tại Siem Reap, Campuchia.
Trước đó, trong các ngày 25 - 26/6, phiên họp lần thứ 24 Nhóm công tác chung (JWG) ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC cũng đã diễn ra. Theo thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, các phiên họp lần này nhằm kiểm điểm quá trình thực hiện DOC, đàm phán văn kiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và xác định các hoạt động tiếp theo liên quan đến các nội dung này.
Tiếp theo kết quả của JWG-DOC 23 tại Nha Trang, Việt Nam (tháng 3/2018), cuộc họp JWG-DOC 24 lần này đi vào trao đổi các nội dung cụ thể của văn kiện COC, xác định các nguyên tắc và bước triển khai tới đây của JWG-DOC. Cuộc họp nhất trí JWG-DOC thường xuyên báo cáo về tiến độ và kết quả lên SOM-DOC và lên Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (PMC).
Châu Như Quỳnh