Vĩ thanh về Hội nghị Trung ương 14

Kết quả của Hội nghị Trung ương 14 là tất yếu của sự chuẩn bị công phu, kiên định và trong không khí không kém phần căng thẳng.

Chiều muộn thứ Tư, ngày 13/1/2016, Hội nghị Trung ương 14 bế mạc. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với  Đảng và Đất nước, hứa hẹn một kết quả tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII - sự kiện chính trị hệ trọng nhất của năm 2016 - sẽ được tổ chức đúng 1 tuần sau đây.

Hội nghị 14 đặc biệt quan trọng bởi nó phải kết thúc những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Đại Hội XII, chuẩn bị danh sách các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những ứng viên sẽ tham gia Bộ Chính trị khóa mới và đảm nhận 4 vị trí lãnh đạo: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (Ảnh: Vũ Duy)
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (Ảnh: Vũ Duy)

Trong 5 năm tới, đất nước sẽ phát triển ra sao, nhanh hay chậm, chất lượng phát triển như thế nào, việc  xử lý các thách thức đặt ra cho kinh tế, văn hóa,  xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia…ra sao, đều phụ thuộc vào đường lối, chính sách do Đại hội XII quyết định và dàn lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương khóa XII do Đại hội lựa chọn.

Ở một  góc độ nào đó trong hoàn cảnh hiện nay, vai trò của nhân sự và công tác nhân sự, đặc biệt là những người giữ quyền lãnh đạo cao nhất có ý nghĩa quyết định đến sự thành-bại của một sự nghiệp.

Đại hội muốn thành công phải cần có sự chuẩn bị tốt. Sự chuẩn bị không tốt, không thận trọng, chu đáo, bài bản, bao quát, lường trước các khó khăn, thách thức, sự cố có thể nảy sinh, chắc chắn không thể đảm bảo được một kết quả tốt đẹp.

Vì ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Hội nghị Trung ương 14, cho nên dư luận đảng viên, nhân dân rất hồi hộp quan tâm, mong chờ và kỳ vọng.  Hội nghị này do vậy cũng có sức thu hút đặc biệt giới truyền thông quốc tế.

Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương đến với các phương tiện truyền thông vào cuối giờ chiều 13/1, dù không nêu tên những ứng viên cụ thể, nhưng cũng làm yên lòng đông đảo đảng viên và nhân dân: 

“Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khoá XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khoá XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định”.

Có hai thông điệp rất quan trọng ở đây: Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã chọn được những nhân sự xứng đáng qua “hình thức bỏ phiếu kín” dân chủ để giới thiệu vào 4 chức danh lãnh đạo cao nhất. Thứ hai, những người được lựa chọn giành được “số phiếu rất tập trung”.

Có thể nói, công tác chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng đã được thực hiện cẩn trọng, chu đáo nhất từ trước đến nay, đặc biệt là công tác nhân sự. Hai điểm nhấn quan trọng là việc qui hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn cao cấp được thực hiện bài bản, có quy trình, tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể; được triển khai thực hiện vừa dân chủ, vừa tập trung. Tiếp đó là quy chế bầu cử trong Đảng đã được thông qua, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “tập trung, dân chủ”. Đúng như đánh giá của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, ở đâu, nơi nào, công tác quy hoạch không tốt, không đạt được yêu cầu thì lỗi là do người đứng đầu đã làm không tốt, chưa hết trách nhiệm.

Kết quả của Hội nghị Trung ương 14 là tất yếu của sự chuẩn bị công phu, kiên định và trong không khí không kém phần căng thẳng. Trên mạng, nhiều thế lực cơ hội chính trị không từ mọi thủ đoạn bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cố tình gây chia rẽ nội bộ hòng tác động vào công tác nhân sự của Đảng. Tuy vậy, các mưu toan này đã thất bại.

Có một điều mọi người ít để ý bên cạnh công việc chuẩn bị cho Đại hội XII, một nội dung lại được đưa vào Hội nghị 14, đó là cho ý kiến về kết quả đàm phán và xin chủ trương về ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia trước đây.

Việc Trung ương cho ý kiến về TPP trong lúc này thể hiện tầm quan trọng của hiệp định này đối với tương lai phát triển hội nhập của quốc gia vào phân công lao động toàn cầu. Quá trình đàm phán TPP đều đặt dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng, với vai trò  thực thi tích cực, chủ động, sáng tạo của Chính phủ. Quá trình này “tuân thủ đúng quan điểm, nghị quyết của Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao, đề ra các mục tiêu, nguyên tắc lớn để định hướng việc đàm phán ngay từ đầu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh”.

Kết quả của Hội nghị 14 là câu trả lời đanh thép: Không có cái gọi là phái “bảo thủ” hay “cải cách”, càng không có những phái ủng hộ “chơi” với nước này, “chống” nước kia mà chỉ có một tinh thần trách nhiệm chung là dân chủ thảo luận để tìm ra một lộ trình phát triển phù hợp, chọn ra những lãnh đạo phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước.

Trong lúc tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, điều quan trọng nhất  là toàn thể đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn phát triển mới có chất lượng hơn cho đất nước.

Theo Phạm Mạnh Hùng
VOV