Vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học
(Dân trí) - Tối 24/7, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt – Nhật TP Đà Nẵng phối hợp với Tàu Hòa Bình và Hội liên hiệp thanh niên Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học”.
Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2013).
Buổi tọa đàm nhằm tạo điều kiện cho các thành viên Tàu Hòa Bình giao lưu với các nạn nhân chất độc da cam, các nhà hoạt động xã hội và thanh niên thành phố Đà Nẵng; tăng cường nhận thức và sự chia sẻ trong thanh niên đối với các nạn nhân, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân thành phố với nhân dân Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Đình An, nhà hoạt động xã hội: “Chúng ta đang sống trong hòa bình nhưng phải không có nguy cơ. Vũ khí hạt nhân nếu ở trong tay những người có đầu óc bất thường thì cũng đáng lo ngại. Từ thực tế của mình, chúng ta kiên quyết giữ hòa bình và loại bỏ vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học. Người Việt Nam, người Nhật là nạn nhân của chiến tranh nhưng không phải chỉ vì chúng ta mà vì cả thế giới này nên chúng ta phải đoàn kết nhau lại, xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân, không có vũ khí hóa học. Chúng ta không rời mục tiêu đó và chúng ta sẽ giành thắng lợi”.
“Con đã từng đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên con đã ở với ông bà ngoại để học tập. Học đến lớp 5, bạn bè đều trêu chọc, con rất buồn và chuyển về sinh sống với ba mẹ, sau đó xin vào một trường khác để học, con cứ tưởng vào trường mới sẽ không sao nhưng cuộc đời không như con tưởng. Học được một thời gian rồi điều bất hạnh lại đến với con, các bạn trêu chọc con, con đã không chọi đựng nổi sự buồn tủi đó và con đã nghỉ học”, em Láng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, Đà Nẵng có hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Nhiều gia đình có 2 đến 3 nạn nhân, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, luôn mong chờ vào sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội.
Trong những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng đã vận động, kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cưu mang, giúp đỡ, chia sẻ trước nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam bằng những hành động thiết thực như: nhận trợ dưỡng thường xuyên cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà, khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện đi lại, giúp vốn sản xuất…
Đặc biệt, được sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng, Hội đã thành lập 3 cơ sở nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho gần 200 em là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố, giúp các em từng bước hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Tàu Hòa Bình đã trao thông điệp cho đại diện thanh niên TP Đà Nẵng. Thông điệp đó là: “Thanh niên thành phố Đà Nẵng chung tay xoa dịu nổi đau chiến tranh - Vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học”.
Tàu Hòa Bình là một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Nhật Bản, bắt đầu hoạt động từ năm 1983 với mục đích thúc đẩy hòa bình và sự bền vững thông qua việc tổ chức những cuộc hành trình hòa bình. Đây là lần thứ 35 Tàu Hòa Bình cập cảng Đà Nẵng trong hành trình lần thứ 80 vòng quanh thế giới của Tàu Hòa Bình.
Khánh Hồng