Bình Định:

Về vùng đất thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trên quê hương cách mạng

(Dân trí) - 85 năm đã trôi qua nhưng cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 23/7 tại cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn mang đậm ý nghĩa lịch sử.

Đánh giá cao về cuộc biểu tình vào đêm 22 rạng ngày 23/7/1931 tại cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), trong hồi ký “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận xét: “Thành quả lớn nhất của cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương năm 1931 là ở chỗ nó khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản mà đại biểu là Đảng ta, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông lòng tự tin ở sức lực cách mạng vĩ đại của mình…”.

Tự hào vùng đất cách mạng

Những ngày tháng Bảy, chúng tôi tìm về thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để được hầu chuyện cụ Trần Thị Sanh (103 tuổi) vợ của cụ Đoàn Tính (1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cửu Lợi - Chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên trên quê hương cách mạng huyện Hoài Nhơn, vào tháng 8/1930). Cụ Sanh là nhân chứng lịch sử duy nhất của cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương năm 1931.

Đã 103 tuổi nhưng cụ Sanh vẫn nhớ như in và tự hào khi kể về cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 23/7/1931 tại cây số 7 Tài Lương xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Đã 103 tuổi nhưng cụ Sanh vẫn nhớ như in và tự hào khi kể về cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 23/7/1931 tại cây số 7 Tài Lương xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Khi cuộc biểu tình lịch sử ở cây số 7 Tài Lương năm 1931 nổ ra, cụ Sanh vừa tròn 18 tuổi. Tuy giờ đây trí nhớ của cụ Sanh về cuộc biểu tình không còn mạch lạc nhưng những gì cụ kể cho chúng tôi nghe vẫn nguyên vẹn về khí thế hào hùng của những ngày máu lửa ấy.

Cụ kể: Những năm 1930-1931, phong trào cách mạng ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) như đám cỏ khô chờ một đốm lửa. Mồi lửa ấy chính là cuộc biểu tình đêm 22, rạng ngày 23/7 năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Sự kiện này được đánh giá “Tiêu biểu cho khí thế đấu tranh của công nông Bình Định trong cao trào 1930-1931”!

Cuộc biểu tình dưới sự bảo vệ của lực lượng Tự vệ đỏ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng. 7 đảng viên được phân công lãnh đạo các cánh biểu tình, xuất phát từ các hướng khác nhau, tiến về hợp điểm tại Gò Sếu, Tài Lương, sau đó kéo về phủ đường Bồng Sơn.

Để chặn địch từ Quảng Ngãi vào, chi bộ phía Bắc cho một tổ Tự vệ đỏ chốt tại đèo Bình Đê. Chi bộ phía Nam cho một tổ Tự vệ đỏ chốt ở Km số 6, chặn địch từ Bồng Sơn ra. Từ 17 giờ ngày 22/7, cuộc biểu tình bắt đầu.

Tự hào vùng đất cách mạng
Tự hào vùng đất cách mạng

Toàn đoàn biểu tình hơn 3.000 người hướng theo lá cờ búa liềm do đồng chí Huỳnh Lịch giương cao, hàng ngũ trật tự, khí thế rầm rộ, trống thúc liên hồi, đuốc sáng rực trời, làm náo động cả huyện. Đoàn tiến đến đâu đều trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh dọc đường. Đến rạng sáng ngày 23/7, sau thời gian hốt hoảng, địch bắt đầu bố ráp. 13 đảng viên và quần chúng đã hy sinh, 1 đảng viên bị kết án tử hình, 3 đảng viên bị kết án tù chung thân, 78 đảng viên và hàng trăm quần chúng bị giam cầm, tra tấn…

Khởi sắc từ khi có Đảng

85 năm đã trôi qua nhưng cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 23/7/1931 tại cây số 7 Tài Lương xã Hoài Thanh Tây vẫn còn mang đậm ý nghĩa lịch sử. Cuộc biểu tình thể hiện ý chí sắt đá, một lòng kiên quyết bảo vệ và duy trì các phong trào cách mạng trong thời điểm khó khăn nhất, ác liệt nhất của nhân dân Hoài Nhơn từ khi có Đảng lãnh đạo.

Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn) khởi sắc từ khi có Đảng lãnh đạo
Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn) khởi sắc từ khi có Đảng lãnh đạo

Địa điểm tập kết của cuộc biểu tình vang lừng ngày ấy nay thuộc thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây hôm nay. Thế hệ con cháu của những lớp người chiến sĩ nông dân ngày xưa đang nỗ lực từng ngày để xây dựng quê hương, xứng đáng với cuộc sống hòa bình mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để giành lấy…

Ông Nguyễn Văn Định, Bí thư kiêm trưởng thôn Tài Lương 3 cho biết: “Toàn thôn hiện có 285 hộ thì đã có hơn 160 hộ phát triển kinh tế bằng các ngành nghề kinh doanh thương mại và dịch vụ (TM-DV) cùng 8 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mộc cao cấp, chế biến gỗ xẻ cung ứng cho ngành đóng tàu biển trong và ngoài huyện chiếm gần 40% các cơ sở TM-DV trên địa bàn toàn xã góp phần đưa tỷ lệ hộ giàu trong thôn tăng bình quân hàng năm 3%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%/năm”.

Điều dễ nhận thấy của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Tài Lương 3 hôm nay là hệ thống giao thông nông thôn đổ bê tông hoành tráng, giúp việc lại thuận tiện, nhà cửa mọc lên san sát. Trường học, khu sinh hoạt văn hóa được xây dựng khá khang trang, đồng bộ với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng do nhân dân đóng góp. Tài Lương 3 cũng là một trong những thôn đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005.

Bia di tích cách mạng cây số 7 Tài Lương
Bia di tích cách mạng cây số 7 Tài Lương

Ông Nguyễn Văn Song (65 tuổi), người dân trong thôn Tài Lương 3 chia sẻ: “Quê hương Tài Lương 3 hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, có thể nói là một trời, một vực. Từ cuộc sống lam lũ, đói nghèo, không đủ ăn, đủ mặc xưa kia, bây giờ cuộc sống của người dân đã được nâng lên. Cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Tuy nhiên, một điều nhân dân Hoài Thanh Tây nói riêng và huyện Hoài Nhơn nói chung mong muốn. Đã gần 5 năm sau khi di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 26/1/2011, nhưng việc tiến hành xây dựng khu di tích vẫn chưa thấy.

Bảo Sương - Doãn Công