Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Ngãi đứng "bét" về cải cách hành chính
(Dân trí) - Trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng thì ở chiều ngược lại, Uỷ ban Dân tộc, tỉnh Quảng Ngãi đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017.
Ngày 2/5, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng, đứng thứ hai là Bộ Thông tin và Truyền thông, thứ ba là Bộ Tài chính. Ở chiều ngược lại, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng xếp cuối bảng xếp hạng.
Đối với kết quả PAR INDEX 2017 của các tỉnh, thành Quảng Ninh là tỉnh xếp đầu bảng, đứng thứ hai là Hà Nội và kế tiếp là các tỉnh Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng. Ở chiều ngược lại, tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng cuối cùng, kế đến là Bến Tre, Thanh Hóa…
Tại hội nghị Bộ Nội vụ công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 (SIPAS 2017). Bộ Nội vụ “đo” sự hài lòng của người dân ở 5 yếu tố: tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận giải quyết góp ý phản ánh kiến nghị…
Theo Bộ Nội vụ, tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đi đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ đi lại 1 – 2 lần trong quá trình giải quyết công việc, 16,9% đi lại 3 – 4 lần. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5 – 6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.
Đáng chú ý, có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc. Tỉnh có số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhiều nhất là 7,30%, thấp nhất là 0,2%.
Cùng với đó, có 1,85% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định. Tỉnh có tình trạng công chức gợi ý nộp thêm tiền nhiều nhất là 4,3%, ngược lại có tỉnh không xảy ra tình trạng này.
Trong số những người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả nói chung trong cả nước, chỉ có 32,77% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn. Thậm chí có tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào việc trễ hẹn trả kết quả tới người dân, tổ chức và một nửa số tỉnh trong cả nước chỉ thông báo cho dưới 31,6% số trường hợp bị trễ hẹn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bộ Nội vụ khẳng định đã áp dụng phương pháp chọn mẫu điều tra khoa học, chặt chẽ, đảm bảo đúng yêu cầu để chọn ra 33.900 người dân, tổ chức được phát phiếu điều tra ở tất cả các vùng miền trong cả nước.
Quang Phong