Tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược VN-Italy
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 20-22/1/2013 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:
“Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Italy;
Với mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới;
Với ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng của sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2013;
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 20-22/1/2013 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng;
Hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược dựa trên cơ sở Tuyên bố chung này.
Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, đặt trong tổng thể quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-EU, trên cơ sở Hiệp định về hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA), được ký chính thức ngày 27/6/2012.
Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện, lâu dài, đặc biệt là tăng cường hợp tác sâu rộng trong những lĩnh vực then chốt sau đây:
1. Hợp tác chính trị-ngoại giao
Hai Bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, bao gồm cả những chuyến thăm chính thức song phương và các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hai Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính đảng Italy, cũng như giữa các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam với các cơ quan Chính phủ, tổ chức hàn lâm nghiên cứu và hoạch định chính sách chiến lược của Italy.
Hai Bên hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau, hợp tác trên các diễn đàn đa phương, xây dựng các dự án hợp tác với mục đích hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật.
Hai Bên thúc đẩy hợp tác giữa các Vùng, địa phương hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch.
Hai Bên đánh giá cao kết quả triển khai cơ chế tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước trong thời gian qua và nhất trí thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italy đồng chủ trì. Đối thoại chiến lược dự kiến họp hàng năm, luân phiên tại Hà Nội và Rome, nhằm trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan khi cần thiết.
2. Các vấn đề toàn cầu và khu vực
Hai Bên cam kết phối hợp tăng cường chia sẻ quan điểm, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại các diễn đàn quan trọng như Liên hợp quốc, WTO, ASEM, ASEAN, EU và về các vấn đề quốc tế hai Bên cùng quan tâm như cải tổ Liên hợp quốc, phát triển bền vững, môi trường và biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, chống dịch bệnh, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, giải trừ quân bị và chống phát triển vũ khí hạt nhân, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, khủng bố và cướp biển, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế.
Hai Bên ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường quan hệ và hợp tác ASEAN-EU trên các lĩnh vực chính trị và an ninh và phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi khu vực. Italy ủng hộ lộ trình của ASEAN về thành lập Cộng đồng ASEAN, qua đó tăng cường vai trò tích cực của ASEAN trong việc duy trì ổn định và hòa bình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cam kết ủng hộ Italy tăng cường vai trò và thúc đẩy quan hệ với ASEAN và với các diễn đàn khu vực khác ở Đông Nam Á.
3. Quan hệ kinh tế
Phía Italy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cam kết ủng hộ việc EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Hai Bên ủng hộ việc sớm đi đến kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU công bằng và cùng có lợi.
Việt Nam và Italy nhận thấy hai nước có tiềm năng to lớn để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế song phương, bao gồm cả thương mại, đầu tư và nhất trí đẩy mạnh mối quan hệ này, trên cơ sở ổn định lâu dài và cùng có lợi. Phía Italy sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua:
Chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm của các doanh nghiệp Italy hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, giao thông đô thị, cảng và sân bay), công nghiệp cơ khí chế tạo (đặc biệt đối với các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, chế biến và bảo quản thực phẩm);
Thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể, kể cả theo mô hình Đối tác Công-Tư (PPP) trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, luyện kim, viễn thông, du lịch, môi trường, y tế và thời trang.
Việt Nam hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Italy đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí.
Hai Bên khuyến khích trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước. Việt Nam và Italy nhất trí tăng cường cơ hội tiếp xúc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức thương mại của hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm đồ gỗ, nông nghiệp. Đồng thời, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Italy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ tiêu dùng mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Italy cam kết khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Italy đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí việc hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, quan hệ đối tác sẽ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm sản xuất chất lượng cao với các doanh nghiệp của Việt Nam, góp phần củng cố nền công nghiệp sản xuất của Việt Nam, cũng như với triển vọng vươn ra thị trường ASEAN và Đông Á.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai Bên tại mỗi nước, cũng như giám sát, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, hai Bên nhất trí thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế do Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế của Italy điều phối, họp định kỳ một lần/ năm trên cơ sở luân phiên.
4. Hợp tác phát triển
Hai Bên tiếp tục coi trọng hợp tác phát triển giữa hai nước trên cơ sở Hiệp định song phương ký năm 2009. Hai Bên nhất trí xem xét ký một Nghị định thư mới về hợp tác phát triển cho giai đoạn 2013-2015 thông qua vốn viện trợ không hoàn lại và các nguồn tín dụng hỗ trợ nhằm thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế ở Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước, môi trường, y tế, phát triển nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hai Bên nghiên cứu chuyển dần hợp tác từ các lĩnh vực truyền thống sang các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo và nghiên cứu khoa học, năng lượng xanh/sạch.
Tính đến kết quả tích cực của dự án do Bộ Ngoại giao Italy và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp thực hiện nhằm hỗ trợ các nhóm công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nhận thấy còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, hai Bên khẳng định sẽ triển khai dự án hợp tác về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tư nhân, sử dụng nguồn vốn của Italy, nhằm tăng cường khả năng của các công ty Việt Nam trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với pháp luật Việt Nam về lao động và bảo vệ môi trường.
Hai Bên sẽ trao đổi các thỏa thuận cụ thể trong khuôn khổ Nghị định thư mới về hợp tác phát triển cho giai đoạn 2013-2015, phù hợp với quy định, thủ tục nội bộ của mỗi nước, đặc biệt khi nội dung các thỏa thuận này liên quan đến chi phí tài chính.
5. Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai Bên nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong khuôn khổ “Năm Việt Nam tại Italy” và “Năm Italy tại Việt Nam” trong năm 2013; cam kết khuyến khích các sáng kiến thích hợp để tổ chức tại mỗi nước. Hai Bên coi trọng mối quan hệ hữu nghị mà hai dân tộc dành cho nhau trong 40 năm qua; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá, tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Hai Bên khuyến khích tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch, trong đó có tổ chức triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hội chợ du lịch, giao lưu thể thao.
Hai Bên nhận thức được tầm quan trọng của dự án “Ngôi nhà Italy” (Casa Italy) tại Hà Nội, với ý nghĩa là trung tâm quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Italy cũng như các sản phẩm “Made in Italy” tại Việt Nam. Hai Bên tin tưởng rằng dự án Ngôi nhà Italy sẽ là một hình thức hữu ích góp phần mang lại sự hiểu biết sâu rộng về kinh tế, văn hóa Italy, vì lợi ích chung của cả hai Bên.
Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm của Italy trong lĩnh vực bảo tồn di sản khảo cổ cũng như trong lĩnh vực phát triển đô thị. Hai Bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi giữa các cơ quan thể chế và các chuyên gia của hai nước nhằm bảo tồn các di sản khảo cổ và phục vụ cho sự phát triển đô thị của Việt Nam.
Hai Bên nhất trí xem xét đề nghị của Chính phủ Việt Nam nhằm thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu xuất sắc Italy-Việt Nam (CEFIVI) đặt tại Việt Nam, với mục đích trở thành nơi tập trung các dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học chủ chốt giữa hai nước, với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan/tổ chức liên quan của hai nước và với sự tài trợ của Italy được đề cập tại đoạn cuối cùng của Điểm 4 trên đây. CEFIVI sẽ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp/tổ chức của hai nước trong việc chuyển giao, quảng bá công nghệ, khoa học kỹ thuật Italy đến thị trường Việt Nam.
Hai Bên đánh giá cao những kinh nghiệm tích cực trong hợp tác và trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học Việt Nam và Italy; cam kết tăng cường hơn nữa các hoạt động này. Hai Bên nhất trí thiết lập cơ chế hội thảo giữa các trường đại học của Việt Nam và Italy tổ chức hai lần/năm trên cơ sở luân phiên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Italy thực hiện.
Hai Bên hoan nghênh việc ký Chương trình về Hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016 và việc sớm ký Chương trình Hợp tác Văn hóa giai đoạn 2013-2016 giữa Việt Nam và Italy.
Ghi nhận tầm quan trọng của khoa học và công nghệ và kết quả của Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Italy, hai Bên nhất trí gia hạn Chương trình mới cho giai đoạn 2013-2015.
6. Quốc phòng và an ninh
Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực quốc phòng, hai Bên khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này như đã được nêu trong Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng, ký ngày 24/11/2000, nhất trí mở rộng và cập nhật những nội dung hợp tác bằng việc ký kết một Bản ghi nhớ mới về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Việc ký kết văn bản này sẽ tăng cường và thúc đẩy hơn nữa cơ sở pháp lý nhằm tăng cường quan hệ song phương trong những lĩnh vực cùng quan tâm. Thông qua Bản ghi nhớ mới, hai Bên cũng nhất trí thúc đẩy việc thiết lập Cơ chế Đối thoại An ninh và Quốc phòng Việt Nam-Italy ở cấp độ thích hợp.
Hai Bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh; tăng cường trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin giữa các các đoàn các cấp khác nhau và giữa các cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc phòng của mỗi nước. Hai Bên cũng cam kết hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Hai Bên nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh nhằm phòng và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và khủng bố. Hai Bên cam kết khởi động các hình thức hợp tác song phương có lợi ích chung về cảnh sát, thông qua việc trao đổi thông tin và thực hành, đặc biệt chú trọng tới việc phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán chất gây nghiện, hướng thần và các tiền chất của chúng, buôn bán người, di cư bất hợp pháp và khủng bố.
7. Điều khoản cuối
Trên cơ sở Tuyên bố chung này, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ xây dựng một Kế hoạch hành động chung với thời hạn hai năm.
Tuyên bố chung này có thể được điều chỉnh bất cứ lúc nào trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa hai Bên. Tuyên bố chung này có hiệu lực từ ngày ký và tiếp tục có giá trị đến khi một trong hai Bên tuyên bố hủy bỏ thông qua việc thông báo bằng văn bản trước sáu tháng.
Ký tại Rome, ngày 21/1/2013, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Italy và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau.
Theo Vietnam+