Tư duy ấu trĩ, quản lý cứng nhắc ghìm giữ “bánh đà” phát triển

(Dân trí) - Ví công nghiệp hỗ trợ là “bánh đà” cho phát triển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi những doanh nghiệp đầu tàu “tha thiết” với việc thúc đẩy động lực này. Phó Thủ tướng yêu cầu thay đổi tư duy khi xây dựng chính sách với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điều khiến doanh nghiệp phát nản vì sự ấu trĩ, cứng nhắc kìm hãm “bánh đà” vận động lâu nay…

Sáng 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tư duy ấu trĩ, quản lý cứng nhắc ghìm giữ “bánh đà” phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị

Doanh nghiệp đầu tàu phải tha thiết với đất nước!

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu thực trạng chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khái quát, hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.

Số lượng ít ỏi như vậy cùng với năng lực sản xuất quá thấp nên công nghiệp hỗ trợ lâu nay vẫn là khâu yếu trong các chuỗi sản xuất. “Nếu các doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết với đất nước thì không thể tạo “bánh đà” cho nền công nghiệp và Việt Nam không thể có những sản phẩm mạnh tự thân” – Phó Thủ tướng khái quát.

Theo Phó Thủ tướng, xác định vai trò của ngành này, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy  vậy, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.

“Cần coi công nghiệp là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý tham dự hội nghị nói thẳng, nói trúng những điểm yếu kém nhất, vướng mắc nhất cần tháo gỡ cho lĩnh vực sản xuất này cũng như chia sẻ kinh nghiệm thành công của các nước, đặc biệt là những nước đi trước, những nước có điều kiện tương tự, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể mà Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội cần triển khai thực hiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian tới.

Phát nản vì yêu cầu vô lý của chính quyền

Tư duy ấu trĩ, quản lý cứng nhắc ghìm giữ “bánh đà” phát triển - Ảnh 2.

Hội nghị với sự tham gia của 300 đại biểu đến từ trong, ngoài nước để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Chủ tịch tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương chia sẻ từ câu chuyện mấy chục năm phát triển của Thaco. Ông Dương phân tích, công nghiệp ô tô là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá…. Những ngành công nghiệp phụ trợ này phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, tạo ra giá trị xản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động  và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế hoạt động từ 2003 đến nay, để có thể đạt tỷ lệ nội địa hoá các dòng xe lắp ráp như 35-40% với xe tải, 55-60% với xe bus, 25% với xe con thì doanh nghiệp cũng đã “vật vã” qua các bước thử nghiệm, đi dần từ làm xe tải, tới xe bus, sau mới tới dòng xe cá nhân, đầu tiên là gia công xe của các hãng Hàn (Huyndai, Kia) rồi mới tới các dòng xe Nhật và xe Châu Âu như BMW.

Ban đầu, Thaco cũng chỉ có thể chọn làm những chi tiết lớn, đơn giản trong mỗi chiếc xe, dần từng bước cho tới bây giờ, để có được 32 công ty linh kiện chia theo các nhóm (như linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, hoá chất…) đi kèm nhà máy lắp ráp ô tô. Chìa khoá trong khâu này là phải luôn luôn liên hệ với nhà sản xuất gốc để có thể làm những linh kiện, công nghệ “update” được theo thị trường.

Thành quả lớn của Trường Hải, theo ông Dương là đã xuất khẩu được nhiều loại linh kiện cho các nhà máy ô tô của Thái Lan, Philippines. Năm 2018 doanh thu của lĩnh vực này là 8 triệu USD, năm 2019, ông Dương quả quyết mức doanh thu sẽ là 20 triệu USD.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp tạo dựng được hệ thống những nhà máy gia công thép, gang, nhiệt luyện… tại khu vực để hút  những doanh nghiệp khác đến Chu Lai, mở ra cơ hội hình thành ở nơi đây một trung tâm hỗ trợ chế tạo cơ khí tại miền Trung. Doanh thu trong lĩnh vực này cũng là một tiềm năng lớn khi đến nay đã đạt mốc 385 triệu USD.

“Dù không dễ dàng gì, những bước phát triển ổn định cho ngành công nghiệp hỗ trợ đã hình thành. Cũng như việc xây nhà mà mọi loại vật liệu đều phải nhập, chỉ cát, đá, xi măng có thể tự cung cấp thì không hiệu quả, công nghiệp hỗ trợ chính là cơ hội mang lại những sản phẩm mang giá trị Việt” – ông Dương nói.

Đại diện cho một ngành sản xuất thế mạnh của Việt Nam, ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Nguyễn Văn Tuấn nêu thực tế: “Việt Nam có ngành dệt may lớn nhưng không mạnh, giá trị không cao mà nút thắt nằm ở lĩnh vực… phụ trợ là dệt vải, cụ thể hơn là khâu nhuộm. Không có vải nên ngành dệt may dễ tổn thương vì phụ thuộc hoàn toàn nguồn nguyên liệu nước ngoài”.

Ông Tuấn phân tích, hiện giá trị mỗi kg bông chỉ là 2 USD, làm ra được sợi, giá trị tăng lên 3,5 USD/kg và ra được tới vải thì mức giá tới 10USD/kg. Giá trị gia tăng mang lại từ khâu này cao hơn nhiều so với giá gia công chỉ một vài USD/kg đồ may ra được.

Hơn nữa, không có vải thì không có chứng chỉ xuất xứ CO cho sản phẩm, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, theo đó, mãi vẫn chỉ là hàng gia công, làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội bông sợi phân tích, chiến lược phát triển dệt may bền vững chính là phải phát triển được ngành dệt vì Việt Nam đã cung cấp được nguồn sợi, thậm chí còn thừa nhiều để xuất khẩu. Phần khó nhất là nhuộm, sao để có được nhiều loại vải đẹp, chất lượng, giá trị cao. Thực tế, nhuộm chính là trái tim với những cường quốc dệt may như Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Vừa rồi chúng ta thí điểm những khu dệt nhuộm như khu công nghiệp Rạng Đông ở Nam Định nhưng thế vẫn là quá ít. Hiện Việt Nam chỉ có 5 tỉnh cho phát triển ngành nhuộm (vì lo ngại nguy cơ gây ô  nhiễm, độc hại – PV) nhưng tư duy vẫn ấu trĩ khi không cho nhuộm gia công, nghĩa là không tạo ra điều kiện cho việc phát triển chuỗi liên kết. Thậm chí có tỉnh còn vô lý đến mức khi có doanh nghiệp đề nghị làm nhuộm không nước thải (nhuộm bằng C02) thì nhất quyết không đồng ý vì cho rằng, nhuộm mà không nước thải thì không phải là nhuộm” -  ông Tuấn than.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo ngành dệt may tập trung cho ý kiến này để thấy rõ thực trạng, những nút thắt cần gỡ cho lĩnh vực.

P.Thảo