Triển lãm tài liệu lưu trữ “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”
(Dân trí) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, bên cạnh chi viện về vật chất, quân trang, quân dụng, thuộc men, lương thực, thực phẩm cùng với lực lượng quân đội, nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hăng say lao động, sản xuất trên các công trường, xưởng máy ở miền Bắc và cả những cán bộ, nhân dân miền Bắc đã tình nguyện, lặng lẽ, âm thầm vượt Trường Sơn, chi viện sức người cho cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở miền Nam, đó là một nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, vinh quang, được gọi với mật mã “đi B”.
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018), nhằm tôn vinh công lao to lớn và thiết thực tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, đã đóng góp công sức cho hòa bình, độc lập hôm nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ bàn giao kỷ vật của cán bộ đi B và khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”.
Như đã đưa tin, buổi lễ khai mạc vào 17h ngày 23/7/2018 tại Thành cổ Quảng Trị. Tại buổi lễ, 23 cán bộ đi B quê hương Quảng Trị được nhận Hồ sơ, kỷ vật.
Triển lãm giới thiệu gần 200 tư liệu, hình ảnh, kỷ vật được lựa chọn từ các phông tài liệu trữ: Phủ Thủ tướng, Ủy ban Thống nhất Chính phủ... được lựa chọn từ hơn 72.000 hồ sơ, kỷ vật.
Triển lãm gồm 4 phần:
Phần 1: Chi viện cho miền Nam
Công bố, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về nhiệm vụ cách mạng hai miền Nam – Bắc sau năm 1954, yêu cầu chi viện sức người đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Hàng vạn người con ưu tú cả Nam và Bắc, gửi đơn tình nguyện lên đường đi B, đóng góp công sức cho nền độc lập và thống nhất đất nước.
Phần 2: Đi B - Nhiệm vụ bí mật
Giới thiệu những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật thể hiện niềm tự hào về các cán bộ đi B, là những con người rất đỗi bình dị, sinh ra, lớn lên, trưởng thành trên mọi miền của tổ quốc, làm nhiều nghề khác nhau, họ là những bác sĩ, kĩ sư, học sinh, sinh viên… là những người con ưu tú của dân tộc, không phân biệt giới tính, tuổi tác, cùng chung một ý chí, nguyện vọng, được phục vụ cách mạng, vì miền Nam ruột thịt.
Đi B là lộ trình vào miền Nam được giữ bí mật tuyệt đối. Tình nguyện đi B nhưng không phải sẽ được đi, mà phải trải qua quá trình lựa chọn, về lý lịch, về năng lực, về sức khỏe… Khi được lựa chọn, không được biết trước ngày đi, thời gia đi và đi đến đâu, các cán bộ đi B lặng lẽ rời đơn vị công tác đi đến những địa chỉ bí mật. Khi đi, tất cả những tư trang, hành lý, tài liệu, kỷ vật cá nhân như lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ, huân huy chương, và tư trang như ảnh, nhật ký, thư từ, số tiết kiệm… đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ đợi ngày họ trở về.
Tất cả được giới thiệu tại phần II của Triển lãm.
Phần III. Về quê mẹ Quảng Trị
Quảng Trị anh hùng là vùng đất giao tranh ác liệt, chia cắt, xáo trộn, là nơi đầu sóng ngọn gió, hứng chịu sự khốc liệt nhất của chiến tranh. Để có ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, có sự hy sinh, cống hiến không nhỏ của những người con trung kiên của quê hương Quảng Trị luôn khát khao cháy bỏng trở về quê mẹ để đóng góp sức lực cùng giải phóng quê hương.
Triển lãm trân trọng giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật, hồ sơ, lý lịch thể hiện những đóng góp của lớp lớp người con Quảng Trị đi B được lựa chọn từ hơn 3.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B của tỉnh những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng.
Phần IV. Đoàn tụ
Trong hàng vạn cán bộ đi B, rất nhiều người còn sống nhưng cũng không ít người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, nhưng những hồ sơ, kỷ vật của lớp thế hệ cán bộ cũng trở về cùng đoàn tụ cùng người thân, gia đình là những nội dung được giới thiệu tại phần IV Triển lãm.
Triển lãm cũng giới thiệu kết quả của hoạt đông gìn giữ, trao trả hồ sơ, kỷ vật của các cơ quan lưu trữ trong thời gian qua.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2018. Qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối Hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại Hồ sơ kỷ vật của mình. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người làm công tác lưu trữ, quản lý, bảo quản khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B.
Dưới đây là một số hình ảnh, tài liệu được giới thiệu tại triển lãm:
Thiên Lý