TPHCM chờ Bộ Chính trị phân công Bí thư Thành ủy
(Dân trí) - Ngày 17/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X bế mạc. Đại hội đã thống nhất để sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị sẽ phân công một Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy TPHCM.
Theo đó, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X gồm 69 người. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 15 người.
Các Phó Bí thư gồm: ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; ông Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy.
Đề cương báo cáo nhanh kết quả đại hội ghi rõ: “Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã báo cáo Bộ Chính trị về phương án nhân sự và được Bộ Chính trị đánh giá cao về công tác chuẩn bị phương án nhân sự. Theo quy định, việc giới thiệu nhân sự bầu chức danh Bí thư Thành ủy thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của Vùng, cả nước, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước, việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị khóa XII của Đảng. Việc để sau Đại hội XII phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy là đúng quy định, quy trình công tác nhân sự của Đảng”.
Trong thời gian chờ có Bí thư Thành ủy khóa X, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khóa IX được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy TPHCM. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy điều hành hoạt động của Thành ủy TPHCM.
Đại hội cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy gồm 13 người. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X. Đại hội cũng bầu Đoàn Đại biểu Đảng bộ TPHCM gồm 35 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết, cùng với 7 đại biểu đương nhiên tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại phiên bế mạc, Đại hội cũng đã thông báo Báo cáo chính trị, dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X. Theo đó, Đại hội đã thảo luận góp ý kiến dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố TPHCM lần thứ X, đã có 162 đại biểu góp ý với 172 lượt góp ý, 642 ý kiến. Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Báo cáo chính trị. Các góp ý tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố nhanh và bền vững, có chất lượng sống tốt, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng Đảng bộ Thành phố thật trong sạch vững mạnh.
Về đánh giá chung, đa số ý kiến đồng tình với nhận định, đánh giá chung kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX. Về mục tiêu, hầu hết ý kiến đánh giá mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ được xây dựng tương đối toàn diện, có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên cần có lộ trình và giải pháp hiệu quả hơn.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, hầu hết ý kiến thống nhất cao với 14 chỉ tiêu chủ yếu. Tuy nhiên, cần có lộ trình, kế hoạch thực hiện và các giải pháp đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Đồng thời, phải tiếp tục kiến nghị Trung ương cho thành phố có cơ chế đặc biệt để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, quản lý đối với một đô thị đặc biệt.
14 chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ TPHCM khóa X (2015 – 2020)
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5% (tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước), chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp và thủy sản; trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56% đến 58%.
2. Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm từ 35% trở lên.
3. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP.
4. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD.
5. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động làm việc.
6. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 625.000 lao động (bình quân 125.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%.
7. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm.
8. Đến cuối năm 2020, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân.
9. Đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người.
10. Đến cuối năm 2020, đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi).
11. Đến cuối năm 2020, đạt tỷ lệ 20 bác sỹ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân.
12. Đến cuối năm 2020, xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%.
13. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh năm sau cao hơn năm trước theo hướng ngày càng thực chất hơn; kéo giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5%/năm.
14. Về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền, phấn đấu Thành phố trong nhóm 5 (năm) địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Tùng Nguyên