Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn cần có người tranh luận
(Dân trí) - Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn khuyến khích tranh luận. Ông cần có người tranh luận. Dù với bất cứ lý do nào, tác phong của người lãnh đạo như vậy là rất cần thiết. Phải trao đổi, phải đối thoại, bình đẳng, không áp đặt, thuyết phục nhau bằng lẽ phải...
Theo chỗ tôi biết thì trong thời kỳ đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” đã được nêu ra và có các giải thích về nội hàm. Đọc lại và suy nghĩ, tôi thấy, về cơ bản, cơ chế ấy không có gì sai, mặc dù có thể có cách diễn đạt khác.
Quan trọng là hiểu thế nào về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và làm chủ của Dân. Rất tiếc là, trong mấy chục năm qua, không ít người đã hiểu và làm chưa đúng, với tư duy bảo thủ, chậm đổi mới. Cũng có thể một phần do cách diễn đạt chưa hết ý, giải thích nội hàm chưa đầy đủ, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Cái nguyên nhân chính đáng nói trước hết là sự nhận thức chung về vai trò của Nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân chưa đầy đủ, có mặt chưa đúng, thậm chí có sai nữa. Nói khẩu hiệu thì nghe hay, nghe kêu, nhưng ý thức sâu sắc, ngấm vào máu thịt thì chưa có. Khẩu hiệu mới vang lên từ miệng, chứ chưa phải từ đáy lòng, trái tim. Cho nên, không ít vấn đề nói một đường, làm một nẻo. Từ thực tế tình hình đã làm giảm ý nghĩa của tư tưởng Dân là chủ, Dân làm chủ.
Đáng lẽ ra, việc lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước phải nhằm bảo đảm cho “Dân làm chủ”, tạo điều kiện cho Dân làm chủ trên thực tế. Mục tiêu chính là sự “làm chủ” của Nhân dân. Còn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý là để phục vụ cho việc “Dân làm chủ”, chứ không có mục đích nào khác. Đó phải là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt và nguyên tắc cao nhất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
“Dân chủ” là khẩu hiệu được nêu ra từ đầu, trong thời kỳ thành lập Đảng. “Dân chủ” đã được đưa vào tên nước khi thành lập năm 1945. Đảng phải gương cao ngọn cờ dân chủ và tập trung lãnh đạo để nâng cao nhận thức về vai trò của Nhân dân là chủ thể nắm quyền lực thật sự, tạo ra cơ chế, thể chế cho Nhân dân làm chủ và kiểm soát được quyền lực, không để ai lạm quyền ức hiếp và làm hại cho dân, cho nước. Đảng không làm thay Dân trong nắm giữ quyền lực, không đứng trên Nhà nước pháp quyền của Dân.
Dân là chủ, đó là nguyên lý bất di bất dịch, và cũng là chân lý. Đảng phải luôn trung thành với nguyên lý đó và tìm mọi cách để thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng phải bằng các giá trị văn hóa chứ không phải bằng quyền lực. Đó là những chủ trương tâm huyết vì dân, sự gương mẫu và liêm khiết của cán bộ, đảng viên. Đó là việc tham gia khai phá văn minh, chứ không phải tạo ra thụ động, bao cấp tư duy. Đó là sự đối thoại chân thành, thẳng thắn, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau đối với những người có ý kiến khác trong bầu không khí thật sự dân chủ, cởi mở và tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Tạo ra sự thống nhất thực chất trong đa dạng văn hóa và tư tưởng, chứ không phải áp đặt bằng tập trung quan liêu. Làm như thế mới đúng là một sự lãnh đạo khoa học và nhân văn.
Còn Nhà nước là nhà nước của Dân, là công cụ của Nhân dân, do Nhân dân lập ra và được Nhân dân ủy quyền trong một giới hạn nhất định, để bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Nhân dân ủy quyền và Nhân dân không mất quyền. Ủy quyền và có thể thu lại, khi cần thiết. Nhà nước phải tôn trọng tối đa, tuyệt đối không được xâm phạm quyền “dân chủ và tự do” của Nhân dân. Đó là tư tưởng cốt lõi, là vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện bản chất “Nhân dân” của Nhà nước. Trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp đã ghi Nhà nước “của Dân, do Dân, vì Dân”- đó là sự khẳng định rất đúng đắn về tính chất của Nhà nước ta. Rất tiếc là giữa lời nói và việc làm trên thực tế đang còn khoảng cách khá xa. Không ít việc làm đã xa rời tính chất đó, thể hiện chính quyền chưa coi trọng Nhân dân, chưa coi trọng “ông chủ”. Chức năng quản lý hay kiến tạo chính là để phục vụ Nhân dân tốt hơn, chứ không có mục đích nào khác.
Tôi được nghe các đồng chí đã từng làm việc bên cạnh đồng chí Lê Duẩn kể lại, nhiều lần, khi nói chuyện với cán bộ hoặc Nhân dân, ông thường dành thời gian để hỏi lại xem có ai có ý kiến gì khác không, nếu có thì trao đổi, thảo luận, tranh luận. Ông khuyến khích tranh luận. Ông cần có người tranh luận. Dù với bất cứ lý do nào, tác phong của người lãnh đạo như vậy là rất cần thiết. Phải trao đổi, phải đối thoại, bình đẳng, không áp đặt, thuyết phục nhau bằng lẽ phải. Vì sao lại ngại đối thoại? Hoặc là anh không có chân lý, hoặc là anh không có khả năng trình bày thuyết phục nên mất tự tin, hoặc anh đã tự thay đổi bản chất, chỉ muốn nắm chắc quyền lực và phán xử mọi việc theo ý chủ quan của mình?
Là con người sinh ra và lớn lên từ Nhân dân, đã từng hoạt động nhiều năm ở miền Nam trong vùng địch kiểm soát, đồng chí Lê Duẩn hiểu chính Nhân dân đã nuôi nấng, đùm bọc cán bộ, đảng viên của Đảng, bất kể hiểm nguy về tính mạng của bản thân và gia đình mình. Sau này, khi làm Tổng Bí thư, nhiều lần ông đã nói, Dân nuôi Đảng làm nên sự nghiệp, nay Đảng phải đối với Dân thế nào cho phải. Ông là một người yêu nước mạnh mẽ, quyết liệt, có tinh thần dân tộc và có quan điểm đúng đắn về Dân. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm cốt lõi về “Dân” trong tư tưởng của Người đã ảnh hưởng sâu sắc đến Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác. Lê Duẩn còn là một người có bề dày trong hoạt động thực tiễn phong trào, sống gắn bó với dân, được dân nuôi và che giấu mỗi khi gặp phải hiểm nguy. Điều kiện ấy đã trực tiếp góp phần hun đúc ông thành người có ý thức sâu sắc và bền vững về Nhân dân.
Ông là người đã nêu lên và nhiều lần nhấn mạnh vấn đề làm chủ tập thể. Có thời kỳ, khi ông còn làm Tổng Bí thư, người ta đã ca ngợi tư tưởng ấy của ông. Rồi sau đó, sau khi ông qua đời, có những người lại phê phán ông về vấn đề đó. Trong câu chuyện này có phần do nhận thức, có phần do công tác nghiên cứu của ta nhiều khi chưa bảo đảm đầy đủ tính khoa học, còn nóng vội, nửa vời và mặt khác cũng có sự phức tạp của người đời.
Nhấn mạnh một chiều vấn đề làm chủ tập thể nhiều khi sẽ dẫn đến duy ý chí, coi đó như giải pháp “vạn năng”, không thấy được vị trí rất quan trọng của các cá nhân, nhất là khi cá nhân có gắn với lợi ích. Không ít trường hợp có những ý kiến lúc đầu mới là của một người, nhưng sau đó đã thành chân lý. Nhấn mạnh một chiều vấn đề làm chủ tập thể một cách trừu tượng mà làm mất hoặc xem nhẹ vai trò của từng cá nhân thì sẽ làm mất động lực quan trọng nhất của xã hội. Nhưng phủ nhận vai trò của làm chủ tập thể cũng là một hướng cực đoan và sai lầm. Đương nhiên là từng cá nhân vẫn có thể và cần phải tham gia làm chủ.
Xã hội càng văn minh, dân chủ càng phát triển thì vai trò cá nhân càng được khẳng định rõ hơn trong việc tham gia làm chủ xã hội. Tuy nhiên, cá nhân thì nhiều khi mỗi người mỗi ý, thậm chí là “chín người mười ý”, khác nhau, kể cả trái ngược nhau, hoặc chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông mà hình thành xu hướng theo cảm tính chứ chưa có đầy đủ cơ sở khoa học. Nhược điểm này sẽ được khắc phục khi có tinh thần làm chủ tập thể. Tất nhiên đó là nói về cách làm chủ tập thể đúng đắn, lành mạnh, không bị các cá nhân hoặc “nhóm lợi ích” chi phối, thao túng. Sự làm chủ của các cá nhân cộng lại chưa phải và không thay thế được vai trò làm chủ của các tập thể. Tại đó, người ta sẽ thảo luận, phản biện lẫn nhau, cá nhân này bổ sung có cá nhân kia và ngược lại, chắc lọc và đi đến thống nhất thành ý kiến chung, nên phần nhiều có hàm lượng chất xám cao hơn. Làm chủ tập thể và làm chủ cá nhân là hai mặt song song, luôn bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Cuộc sống cần cả hai chứ không phải chỉ có một.
Khi nhiều cá nhân biết làm chủ hợp lại thì sẽ hình thành một tập thể có năng lực làm chủ tốt hơn. Trong một đơn vị có năng lực làm chủ tập thể tốt thì từng cá nhân cũng chịu tác động theo hướng tích cực đối với việc nâng cao năng lực làm chủ của từng người. Khi có tinh thần làm chủ tập thể tốt thì xã hội sẽ trở nên năng động và hiệu quả hơn, tự nó giải quyết mọi công việc, biết phát hiện và sớm điều chỉnh các sai lầm, còn nhà nước thì tập trung tạo ra và tổ chức thực hiện một khung pháp lý tiến bộ, tạo điều kiện và hỗ trợ cho xã hội phát triển, chứ không phải nhà nước ôm tất cả, bao cấp mọi thứ, gây nên sự thụ động cho xã hội và vi phạm quyền tự do dân chủ. Ngày nay, khi ta nói về quyền “tự chủ” cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho việc làm chủ tập thể, chứ không phải là để hình thành sự độc quyền của các cá nhân, nhằm thúc đẩy sự năng động và hiệu quả hơn của xã hội.
Theo cách hiểu của tôi, việc làm chủ tập thể diễn ra ở mọi lĩnh vực, đơn vị và tổ chức trong xã hội. Ở khu vực các đoàn thể và tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, việc làm chủ tập thể rất gần với khái niệm về xã hội công dân mà C. Mác đã nói, cũng như xã hội dân sự lành mạnh mà ngày nay người ta hay bàn đến. Làm chủ tập thể, xã hội công dân và xã hội dân sự đều cần thiết cho một xã hội văn minh. Tư duy của C.Mác về xã hội công dân và tư duy của Lê Duẩn về làm chủ tập thể là loại tư duy sâu sắc, chứ không phải hời hợt, cảm tính. Đây là những vấn đề phải bình tĩnh nghiên cứu, thảo luận, chứ đừng vội kết luận thế này hay thế kia, càng không nên định kiến và quy chụp.
Ở ta lâu nay không ít ý kiến không đồng ý hoặc phản đối xã hội dân sự. Sự ấy có nguyên nhân chủ yếu từ việc chưa cùng nhau nghiên cứu thấu đáo nội hàm và tính chất của vấn đề, nên đã có những nhầm lẫn nhất định về khái niệm. Tôi nghĩ, ý kiến khác nhau hiện nay là do cách hiểu và quan niệm khác nhau, chứ không có vấn đề gì lớn. Có ý kiến cho rằng, xã hội dân sự là kiểu của phương Tây, kiểu tư bản chủ nghĩa, không hợp với Việt Nam và sợ chệch hướng khỏi mục tiêu XHCN. Thực ra không phải vậy. Việt Nam ta đã từng có từ lâu rồi, và đang có xã hội dân sự, mặc dù chưa phát triển lắm và chưa hiện đại. Ngày xưa, thời cha ông, khi chúng ta mất nước (như một ngàn năm Bắc thuộc, hai mươi năm Minh thuộc, một trăm năm thuộc Pháp, hai mươi năm Miền Nam thuộc Mỹ), dân ta không có nhà nước của mình. Ngày ấy, xã hội và dân tộc VN đã tồn tại nhờ xã hội dân sự, bằng xã hội dân sự. Từ đó mà tổ chức giành lại đất nước đã mất. Làng là một loại hình của xã hội dân sự truyền thống của Việt Nam. Các đoàn thể, các hội, hiệp hội…hiện tại chính là xã hội dân sự.
Xã hội dân sự không phải là các tổ chức nhà nước, không phải là các đơn vị kinh tế hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, cũng không phải là đơn vị gia đình. Xã hội dân sự là những tổ chức và phong trào trong khuôn khổ quy định của luật pháp, do nhân dân tự nguyện lập ra và hoạt động, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và của cộng đồng. Các đảng phái chính trị, các tổ chức tội phạm, các tổ chức hoạt động lật đổ không thuộc phạm vi của xã hội dân sự. Không gán ghép các tổ chức ấy vào khu vực này để rồi phê phán và chối bỏ xã hội dân sự. Xã hội dân sự không phải là một hình thái kinh tế-xã hội như kiểu xã hội chủ nghĩa, mà chỉ là một bộ phận của xã hội. Nó là một phương thức để thực thi dân chủ. Nó chẳng những không trái ngược, không phải chệch hướng, mà còn phù hợp với mục tiêu xã hôi chủ nghĩa.
Tất nhiên, cần phân biệt khái niệm về xã hội dân sự lành mạnh với cái gọi là “xã hội dân sự” mà trong nghị quyết của Đảng đã phê phán. Theo cách hiểu của tôi, cái đáng phê phán, đấu tranh không phải là xã hội dân sự lành mạnh, mà là những cái “nhân danh” xã hội dân sự, “lợi dụng” xã hội dân sự, “đội lốt” xã hội dân sự để gây mất ổn định chính trị, làm hại cho môi trường phát triển của đất nước.
Hà Nội tháng 3/2017
Vũ Ngọc Hoàng