Tổng Bí thư: Chống tham nhũng, Đảng quyết tâm làm đến cùng, không bỏ lửng
(Dân trí) - “Người dân mong Đảng làm mạnh hơn nữa, chống tham nhũng phải quyết tâm, không bỏ dỡ giữa chừng. Kỳ này, Đảng quyết tâm làm đến cùng chứ không bỏ lửng. Quan trọng là cách làm như thế nào” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng nay, 13/5.
Ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐQBH TP. Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Cán bộ tham nhũng “bị lộ” có nhiều… quan cỡ bự
Cử tri Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho rằng, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều niềm vui khi tăng trưởng kinh tế khá đạt 6,81% là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây. Cả nước tổ chức thành công hội nghị APEC, nhiều nguyên thủ quốc gia đã đến dự, và nhiều nước đã mời lãnh đạo nước ta thăm chính thức đưa quan hệ lên tầm cao mới, thành công của đội tuyển U23 quốc gia, khi trở về nước rợp trời cờ hoa. Điều đó nói lên quần chúng chỉ quý mến những con người chân chính mang vinh quang về cho đất nước.
Theo ông Hoàn, cử tri vui mừng trước quyết tâm của Tổng Bí thư trong chống tham nhũng, nhiều quan to, quan nhỏ, lợi ích nhóm làm giàu bất chính vơ vét tiền của dân đã “bị lộ”, trong đó có nhiều “quan cỡ bự”.
“Cử tri phấn khởi trước câu nói của Tổng Bí thư “ai nhụt chí đứng sang một bên để người khác làm” thể hiện sự quyết tâm, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn. Không chống tham nhũng sẽ làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, khi không có nhân dân đất nước không thể còn, mất lòng dân là mất nước, như lời Bác đã dạy không được lòng dân thì độc lập không có ý nghĩa”- ông Hoàn nói.
Tuy nhiên theo ông Hoàn, cử tri băn khoăn khi nhiều tội phạm diễn ra từ năm 2009, 2010, có vụ từ năm 2003 nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý?.
“Như trường hợp ông Đinh La Thăng, các tướng trong ngành công an, rồi bà Phan Thị Mỹ Thanh giờ đang phải xử lý. Có phải do buông lỏng thanh tra, kiểm tra hay có ai chống lưng? Việc bổ nhiệm cán bộ quá buông lỏng, xem thường trong khi cán bộ phạm tội đều là cán bộ cấp cao của Trung ương cũng như địa phương”-ông Hoàn đặt vấn đề.
Đồng thời cử tri cũng cho rằng, tham nhũng là giặc nội xâm trong tổ chức, phá hoại làm mất lòng tin của dân với Đảng cho nên dân mong Đảng, nhà nước quyết tâm quét sạch giặc nội xâm như giặc ngoại xâm. Theo ông Hoàn, cán bộ phải luôn khắc ghi lời Bác đã căn dặn “Cán bộ phải vì lợi nước quên lợi nhà”.
Cán bộ phải xác định, cơm ăn, áo mặc của họ đều do tiền đóng thuế của người dân. Gây thiệt hại cho nhà nước, xâm phạm tiền thuế của dân thì phải bồi thường. Nhà nước cần phải lấy lại những tài sản bị chiếm đoạt để có tiền nâng lương cho cán bộ và người lao động, để không phải tính đến việc thu thuế nhà, không khải nâng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ BHXH.
Cử tri Trần Viết Hoàn: Nhiều quan to, quan nhỏ, lợi ích nhóm làm giàu bất chính vơ vét tiền của dân đã “bị lộ”
Cử tri Nguyễn Khắc Định (Giảng Võ, Ba Đình) cho biết, hội nghị trung ương 7 đã bàn về vấn đề chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó có quy định Bí thư cấp tỉnh không phải người địa phương. Tuy nhiên hiện trong lấy phiếu đánh giá tín nhiệm có phần ký tên hoặc không ký. Như vậy những kẻ cơ hội ký tên và người bí thư cơ hội biết và tập hợp được nhóm ủng hộ mình, từ đó gây dựng bè cánh để tham nhũng quyền lực, cho nên cần bỏ nội dung có thể ký hoặc không ký.
Cũng theo ông Định, việc kê khai tài sản đã diễn ra nhiều năm nay nhưng việc kiểm soát bản kê khai rất thấp, đến khi bị phát hiện thì tài sản sao lớn thế? Do đó, người kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, tiền ở đâu? Cử tri bày tỏ sự bất bình với những cách giải trình kiểu xây biệt phủ bằng tiền buôn chuổi đót, biệt thự do mẹ già sở hữu hay con là sinh viên vừa ra trường đã có khối tài sản lớn... trong thời gian qua. Ông Định nêu ý kiến, cần có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản cho người thân.
Ông Định cũng cho rằng hiện đang có tình trạng ở Trung ương “lò cháy đùng đùng” nhưng dưới địa phương lại im ắng. Cho nên cử tri mới nhận xét có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, mới đặt vấn đề ai chạy chạy ai?
“Làm sao để chuyển “lửa” về địa phương? Chống tham nhũng phải triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp để Đảng trong sạch và đất nước phát triển” – ông Định phát biểu.
Cử tri Nguyễn Duy Hiên (Ngọc Khánh, Ba Đình) bày tỏ, dư luận đánh giá cao kết quả PCTN từ sau hội nghị trung ương 5 cho đến nay khi các diễn biến cho thấy với quyết tâm của Tổng Bí thư, UB kiểm tra trung ương, việc chống tham nhũng đã thể hiện là không có vùng cấm, “lò đã nóng, không ai có thể đứng ngoài cuộc”.
“Tham nhũng là giặc nội xâm cho nên nhân dân mong Đảng làm quyết liệt mạnh mẽ, như vụ AVG cần được xử lý nghiêm minh. Chống tham nhũng làm mất cán bộ, nhưng đó là mất cán bộ hư hỏng mà nhân dân gọi là “con sâu”, chống tham nhũng đã lấy lại niềm tin và là động lực để phát triển kinh tế xã hội” – ông Hiên bày tỏ, nhân dân mong rằng sau hội nghị Trung ương 7, nhà nước sẽ tinh gọn bộ máy, nâng lương cho cán bộ để chống tham nhũng hiệu quả.
Cử tri cũng gợi ý, nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau, chỉ chăm chăm xin trung ương cơ chế cho mình chứ không vì lợi ích phát triển kinh tế của tỉnh. Đó chính là tham nhũng quyền lực, cần phải ngăn chặn triệt để.
Cử tri Nguyễn Công Hoàn (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) nêu ý kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật PCTN sửa đổi, nhân dân mong luật cần quy định chặt chẽ hơn nữa, ngăn chặn tham nhũng, không có vùng cấm trong xử lý, triệt những điều kiện nảy sinh tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nâng mức án tham nhũng nghiêm trọng lên mức cao nhất, quy trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình, thu hồi tài sản tham nhũng, không để các đối tượng tẩu tán tài sản.
Vụ AVG đã gây thiệt hại 8.800 tỷ đồng
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư cảm ơn các ý kiến quý báu của cử tri, các ý kiến trước khi phát biểu đã được nghiên cứu sâu sắc, cô đọng, xác đáng và sâu sắc. Do đó, người lãnh đạo Đảng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để kiến nghị với Quốc hội nhằm có biện pháp triển khai hữu hiệu trong thực tế.
Nói về vấn đề đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là việc khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, công tác này đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, người dân bước đầu cảm thấy hài lòng về kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII đến nay.
Tổng Bí thư nhận định, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì cuộc đấu tranh không thể thành công. Vừa qua, các ngành vào cuộc chính là sự vào sự động viên khích lệ của xã hội, của nhân dân để củng cố quyết tâm làm tiếp.
“Chúng ra không chỉ chống mà về cơ bản, lâu dài phải là xây. Chống là việc cấp bách, phải làm quyết liệt, khi có sai phạm xảy ra thì phải chống. Nhưng xây là để cho lâu dài. Như tôi đã từng cảnh báo, ai đã nhúng chàm thì tự gột rửa đi. Trong đấu tranh PCTN, không phải xử nặng đã là tốt, mà sao để người bị xử nhìn thấy sai lầm khuyết điểm của mình, cũng như phải thu hồi được tài sản tham nhũng thì mới được lòng dân. Bần cùng lắm mới dùng đến hình phạt tử hình. Cần mở đường cho người biết nhận lỗi chứ không phải đánh quật một cái cho ngã”- Tổng Bí thư nêu rõ.
Người đứng đầu Đảng cũng khẳng định: “Người dân mong Đảng làm mạnh hơn nữa, chống tham nhũng phải quyết tâm, không bỏ dỡ giữa chừng. Kỳ này, Đảng quyết tâm làm đến cùng chứ không bỏ lửng. Quan trọng là cách làm như thế nào”.
Tổng Bí thư đề cập việc người dân kỳ vọng thu hồi tài sản nhiều hơn nữa.
“Riêng vụ Mobifone mua AVG đã gây thiệt hại cho nhà nước 8.800 tỷ đồng. Bây giờ những cá nhân, đơn bị đã bán AVG hứa trả lại toàn bộ số tiền gốc Mobifone đã bỏ ra mua cộng với lãi và thực tế đã thu hồi được 8.500 tỷ đồng. Các vụ án đưa ra xét xử gần đây, nhiều bị can cũng đã xin nộp tiền khắc phục hậu quả” – đó là những kết quả cụ thể được Tổng Bí thư dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông cũng xác nhận, dù có kết quả bước đầu nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn gian nan lắm, tiếp tục phải làm.
Chống tham nhũng phải đi kèm với thực hiện các Nghị quyết khác của trung ương như thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tinh giản bộ máy. Nghị quyết Trung ương 7 mới ban hành hôm qua còn có nội dung về cải cách tiền lương, BHXH để ngăn chặn chống tham nhũng.
“Nhân dân cũng kỳ vọng chống tham nhũng trong công tác cán bộ để ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, móc ngoặc với nhau. Tinh thần là chúng ta phải phát huy các kết quả và sắp tới làm quyết liệt, tất cả vào thì cuộc chiến mới hiệu quả, thành công, và không được sốt ruột. Như kỳ trước tiếp xúc cử tri nói xử lý Đinh La Thăng là nhẹ quá, nhưng tôi nói đang làm vì phải từng bước. Đến giờ, đồng chí đã bị khai trừ khỏi Đảng, phải nhận mức án tù dài. Như vậy đã là nghiêm chưa? Trong lịch sử chưa bao giờ một Ủy viên Bộ chính trị bị xử lý như vậy” – Tổng Bí thư nói.
Thái Anh - N.S