Tồn tại khâu ra đề, quy trình bảo mật dẫn đến sai phạm thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Ghi nhận việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mang lại những kết quả nhất định nhưng Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh những tồn tại về chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội…

Tổng Thư ký Quốc hội là người thay mặt UB Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 trước khi bắt đầu phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ sáng nay, 30/10.

 

Tồn tại khâu ra đề, quy trình bảo mật dẫn đến sai phạm thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về việc thực hiện nghị quyết chất vấn

Báo cáo thẩm tra, phần về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã nghiêm túc trong việc ban hành và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết của TƯ.

Việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã mang lại những kết quả nhất định. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được đẩy mạnh, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được tăng cường.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo các chương trình môn học được triển khai khá thận trọng. Việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ đã đạt được những kết quả nhất định.

Những bất cập trong việc triển khai mô hình trường học mới ở một số địa phương đang dần được khắc phục. Hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước phát triển ổn định. Nhân lực trình độ cao làm việc trong một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn có sự gia tăng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Đó là việc tiến độ xây dựng các đề án còn chậm so với kế hoạch. Thực tế là có 14 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục nhưng đến nay mới có 10 đề án được ban hành, còn 4 đề án mới đang ở giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khái quát, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Hiệu quả của chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chưa cao; việc tuyển dụng cán bộ cử tuyển gặp khó khăn.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cũng được nhấn mạnh với những tồn tại về chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội.

Tỷ lệ phân luồng sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho trung học phổ thông còn hạn chế. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Việc ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học còn chậm.

Án oan sai: Khâu nào gây oan nhiều nhất?

Đối với lĩnh vực tư pháp, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc toà án các cáp đã chú trọng hơn yếu tố tranh tụng tại phiên toà. Đối với các vụ án hình sự, từ đầu nhiệm kỳ tới nay chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương đưa ra xét xử. Các biện pháp để tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội đã được chú trọng áp dụng.

Tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm. Toàn ngành toà án không còn vụ án hành chính quá hạn do lỗi chủ quan của toà. Việc tổ chức đối thoại, theo đó, đã được chú trọng.

Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn còn một số vụ việc dân sự quá hạn do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn.

Với phần việc của VKSND tối cao, các trường hợp quá hạn giải quyết vụ án hình sự, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội và số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội giảm dần. Song công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan trong giai đoạn truy tố. Có những trường hợp phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Phần việc của Chính phủ, cơ quan giám sát ghi nhận kết quả kiềm chế, kéo giảm một số loại tội phạm đạt yêu cầu. Án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được cải thiện về chất lượng, hạn chế ở mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Chất lượng công tác điều tra, khám phá tội phạm được nâng lên. Các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng khởi tố điều tra xử lý tăng và cơ bản thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố và tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Việc điều tra, khám phá nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm nhưng tỷ lệ phát hiện còn thấp. Tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng còn chậm. Còn một số bị can bị khởi tố oan.

Về việc tham gia tố tụng, chấp hành các bản án, quyết định hành chính, UB Thường vụ Quốc hội đề cập hạn chế của cơ quan điều hành khi việc cử đại diện UBND tham gia các vụ việc “dân kiện quan” theo quy định thực hiện vẫn chưa nghiêm. Số vụ án vắng mặt đại diện của UBND nhiều hơn các năm trước. Vẫn còn tồn đọng nhiều bản án hành chính chưa được thi hành. Chính phủ vẫn chưa xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính mà không thi hành theo quy định của pháp luật.

P.Thảo