Tin giản biên chế, khó vì lượng viên chức vẫn tăng khó hãm

(Dân trí) - Theo thống kê, tổng biên chế công chức nhà nước giảm mạnh qua các năm, 2017 chỉ còn khoảng 270.000 người nhưng số viên chức đã trên 2,1 triệu. Thực tế, từ 2011, số đơn vị sự nghiệp ở địa phương giảm thì ở bộ, ngành lại tăng lên, biên chế viên chức, theo đó, vẫn tăng đều qua các năm…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Nội vụ về việc đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Nội vụ về việc đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây là thông tin được nêu ra tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Nội vụ hôm nay, 22/6, về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tổng hợp số liệu từ 28 bộ, ngành và 57 địa phương (không bao gồm Bộ Công an và Quốc phòng, chưa có báo cáo của Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên) cho thấy, năm 2011 cả nước có 54.448 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2016 giảm 534 đơn vị, còn 53.914 đơn vị. Tuy nhiên, trong khi số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các địa phương giảm (635 đơn vị) thì ở khối bộ, ngành lại tăng lên 101 đơn vị.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2011 là 1,81 triệu người, năm 2016 là xấp xỉ 2 triệu người, tăng khoảng 166.000 người. Trong số này, khối bộ, ngành tăng 9.035 người, địa phương tăng 156.792 người.

Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng đề án đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị Trung ương 6 (dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay) phải đề cập tới các vấn đề mới, có tính đột phá, nhằm tổ chức cung ứng dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường, có sự dẫn dắt của nhà nước. Đề án trình Trung ương lần này gồm ba thành tố đổi mới về: Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Quá trình xây dựng Đề án sẽ là cơ hội để Nhà nước nhìn nhận thực trạng về số lượng đơn vị, người lao động, phương thức tổ chức, hiệu quả hoạt động của hệ thống các đơn vị công lập cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Từ đó, xác định các chủ trương, định hướng mới về tổ chức lại hệ thống, đổi mới căn bản các cơ chế hoạt động, quản lý các ĐVSNCL nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, phù hợp với khả năng chi trả của xã hội và nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân, cơ cấu lại và giảm gánh nặng chi ngân sách như hiện nay.

Phó Thủ tướng: Nâng cao chất lượng dịch vụ công, phù hợp với khả năng chi trả của xã hội và nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân.
Phó Thủ tướng: "Nâng cao chất lượng dịch vụ công, phù hợp với khả năng chi trả của xã hội và nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân".

Việc đổi mới tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề- lĩnh vực chiếm số đông và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân.

Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước nhấn mạnh quan điểm trong đổi mới hoạt động của ĐVSNCL phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của nhà nước nhưng Nhà nước không bao cấp xin- cho, xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào ngân sách nhà nước, phân định rõ “công”- “tư”, không để “công” – “tư” lẫn lộn. Nhà nước tăng cường phân công, phân cấp quyền hạn, lợi ích giữa các cấp để bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các đơn vị, tăng cường khả năng giám sát, tự giám sát, kiểm soát hoạt động trong khu vực này.

Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL theo lộ trình phù hợp gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý xác định rõ các dịch vụ công cơ bản thì Nhà nước phải bảo đảm cho xã hội như đầu tư y tế, giáo dục, ở vùng khó khăn hay lĩnh vực khoa học cơ bản.

Về đổi mới cơ chế quản lý, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ bất cập hiện tại và đổi mới, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm với kiểm soát và giám sát của xã hội, không tập trung quyền hạn vào người đứng đầu đơn vị cung cấp dịch vụ công.

P.T