Tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cần “nhìn thẳng vào mắt người dân”
(Dân trí) - “Đi tiếp xúc cử tri, nói thật là cần nhìn thẳng vào mắt người dân và nhìn vào trái tim mình vì thấy trước mắt bà con còn đầy rẫy khó khăn mà nhiều kỳ vẫn chưa trả lời được câu hỏi sao nhà nước chưa có giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri” – Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu giãi bày.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại là uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đầu tiên góp ý kiến trong phiên thảo luận về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri sáng 17/10.
Bộ ngành “thanh minh”
Trước đó, báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội phê bình một số Bộ ngành trả lời cử tri kiểu “làm vì”, thiếu trách nhiệm, hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Một dẫn chứng được cơ quan giám sát đưa ra là phản ánh của cử tri Bình Định về tình trạng hướng dẫn viên du lịch chưa đạt chuẩn, phát ngôn sai về lịch sử Việt Nam, gây bức xúc, đề nghị Bộ VH,TT&DL tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý chấm dứt hiện tượng này. Bộ VH,TT&DL trả lời, thời gian tới, Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo, phối hợp liên ngành, tăng cường hơn công tác định hướng nghề nghiệp, thu hút sinh viên, tình nguyện viên tham gia, làm việc cho ngành du lịch; chỉ đạo UBND các tỉnh nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động du lịch.
Giải thích về việc này, đại diện Bộ VH,TT&DL nói, công văn 3427 của Bộ này để trả lời cử tri nêu nhiều nhóm việc. Trước hết, công văn bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cử tri, nêu tồn tại và hướng xử lý cũng kiến nghị thêm những giải pháp mang tính căn cơ. Cụ thể, về giải pháp, Bộ đã chỉ đạo địa phương, Sở văn hoá địa phương thanh tra kiểm tra, rút giấy phép, xử lý hướng dẫn viên vi phạm. Nhưng về căn cơ, cần phải đào tạo hướng dẫn viên du lịch.
“Ý chúng tôi là bên cạnh giải pháp trực tiếp xử lý hướng dẫn viên sai phạm đó thì cần nhiều giải pháp khác nữa. Tuy nhiên ý diễn giải của văn bản chưa được chuẩn nên có thể gây hiểu nhầm là không đi vào trực tiếp trả lời ý kiến cử tri Bình Định. Thực tế, đến nay chúng tôi chưa thấy văn bản nào cử tri phản hồi, yêu cầu cần trả lời lại” – đại diện Bộ Văn hoá phân trần.
Tương tự trường hợp này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng đứng lên trần tình về một văn bản trả lời cử tri bị “bêu” của Bộ này.
Cụ thể, về văn bản hỏi về việc giải quyết vấn đề xâm canh, xâm cư của cử tri Yên Bái, Bộ này trả lời về bản đồ địa giới, ông Tuấn giải thích, vì nội dung cử tri hỏi liên quan đến việc tranh chấp địa giới hành chính giữa huyện Mường La tỉnh Sơn La với huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái nên văn bản trả lời của Bộ nói 3 vấn đề khác nhau để hướng tới việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, trong đó có cả vấn đề xác định bản đồ địa giới.
Ông Tuấn mong Ban Dân nguyện điều chỉnh lại phần nhận định về ý thức trả lời cử tri của Bộ Nội vụ.
Sao mãi chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri?
Góp ý chung về vấn đề giải quyết kiến nghị cử tri, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét, qua nhiều kỳ tổng hợp, có thể các kiến nghị thường chỉ tập trunng vào một số Bộ, ngành. Ông Giàu điểm qua tên những cơ quan nhận nhiều kiến nghị, chất vấn của cử tri là Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ NN&PTNT…
Ông Giàu đặt vấn đề, các ý kiến lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ là vì các cơ quan chưa mổ xẻ được lý do chưa có giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của bà con cử tri. Theo ông Giàu, cần tìm ra được nguyên nhân, nhất là về chính sách pháp luật thì mới có điều kiện để giải quyết, giảm dần bức xúc của cử tri. Ví dụ, bức xúc liên quan đến khiếu kiện đất đai thì cần sửa luật đất đai, nhất là về vấn đề thu hồi đất, bức xúc về lĩnh vực giáo dục thì phải điều chỉnh quy định về chế độ thi cử…
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, ông Giàu cho rằng có một vấn đề nổi lên cần tập trung tháo gỡ, trước hết là về lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.
“Đi tiếp xúc cử tri, nói thật là cần nhìn thẳng vào mắt người dân và nhìn vào trái tim mình vì qua nhiều năm mà thấy trước mắt người dân còn đầy rẫy khó khăn” – ông Giàu dẫn chứng, ngành nông nghiệp năm qua đạt tăng trưởng dương 3,8% là mức tăng cao nhất trong 10 năm nhưng thực chất 17-18 năm qua so với các lĩnh vực khác, nông nghiệp vẫn đang tụt hậu quá xa.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại nêu thực tế, địa phương nào người dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang công nghệp đều có thu nhập bình quân rất cao. Hiện Bình Dương đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 138 triệu đồng/năm, Bắc Ninh 133 triệu đồng/năm, Vĩnh Phúc 129 triệu đồng/năm… Trong khi đó, nhìn vào 2 tỉnh trung tâm vựa lúa của cả nước là Đồng Tháp, An Giang, mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ là 34 triệu đồng/năm.
Nghịch lý càng thấy rõ khi so sánh năm 2000, các tỉnh này đã có thu nhập bình quân là 9,4 triệu đồng khi mức trung bình cả nước mới chỉ là 5,8 triệu đồng. Nhưng tới 2017, cả nước đạt mức thu nhập 53,5 triệu đồng/người thì 2 tỉnh này cũng chỉ là 34 triệu đồng.
“Nói như thế là đời sống người nông dân chưa cải thiện gì nhiều lắm suốt thời gian qua. Vậy cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đầu tư hạ tầng để làm sao tạo sức hút phát triển các vùng nông nghiệp” – ông Giàu kỳ vọng, các báo cáo phải chỉ ra được vấn đề đó.
P.Thảo