Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng

(Dân trí) - Chiều 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng trong thời gian khoảng 2 tiếng. Trước đó, Thủ tướng cũng đã bay trực thăng khảo sát quy hoạch vùng đồng bằng và quan sát các công trình trị thuỷ, đê biển ở một số vùng lưu vực, duyên hải trọng yếu của Hà Lan.

Thủ tướng thị sát Đồng bằng sông Cửu Long bằng trực thăng


Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng

Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng

Cất cánh từ TP Cần Thơ, “thủ phủ” vùng ĐBSCL và bay dọc khu vực ven biển tới mũi Cà Mau, chuyến thị sát nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Thủ tướng sẽ chủ trì phiên toàn thể vào ngày hôm nay 27/9.

Cũng trong buổi chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst, nhân dịp dự Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trên trực thăng thị sát vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trên trực thăng thị sát vùng ĐBSCL.

Hoan nghênh ông Hermen Borst cùng đoàn đại biểu Hà Lan sang dự Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với BĐKH và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Hà Lan.

Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm Hà Lan tháng 7 vừa qua, ông đã bay trực thăng khảo sát quy hoạch vùng đồng bằng và quan sát các công trình trị thuỷ, đê biển ở một số vùng lưu vực, duyên hải trọng yếu của Hà Lan và nhận thấy có nhiều kinh nghiệm hay.

Thủ tướng cho biết giữa hai vùng có nhiều điểm tương đồng. Đánh giá cao kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực này, Thủ tướng đề nghị ông Hermen Borst chia sẻ kinh nghiệm, có bài phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.

Về phần mình, ông Hermen Borst bày tỏ ấn tượng vì những gì được nghe, được nhìn tại Hội nghị khi được lắng nghe nhiều sáng kiến, chứng kiến sự nhiệt huyết của các đại biểu trong thảo luận về tương lai của ĐBSCL. Ông cũng bày tỏ mong chờ được nghe bài phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị.

Về kinh nghiệm của Hà Lan, ông Hermen Borst nhấn mạnh sự quan trọng của việc chuyển đổi mô hình phát triển từ một ngành, một chiều sang đa ngành, đa chiều. Đây là điều không dễ dàng khi hài hòa lợi ích các bên liên quan.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst.

Do đó, trong việc xây dựng chiến lược phát triển vùng đồng bằng, Hà Lan chú trọng lấy ý kiến của các ủy ban, các địa phương, các ngành, các nhà khoa học và các bên liên quan. Sau khi các bên thống nhất về chiến lược và kế hoạch phát triển sẽ trình lên cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Do đó, Hà Lan thành lập một cao ủy, mang tính độc lập, không trực thuộc Chính phủ.

Về tài chính, Hà Lan thành lập một quỹ đồng bằng quy mô quốc gia có sử dụng ngân sách và sự đóng góp tài chính của các bên tham gia. Khi chính phủ có quỹ quốc gia cho vùng đồng bằng thì đó như một sự cam kết lâu dài để thực hiện các dự án và qua đó thu hút các nguồn lực quốc tế như ODA và nguồn lực tư nhân. Việc sử dụng các quỹ phải bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả. Các dự án đều phải được nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện.

Ông Hermen Borst nhấn mạnh, công việc này không phải chỉ của Chính phủ mà cả xã hội cùng tham gia.

Ghi nhận các ý kiến của Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, Thủ tướng đánh giá cao việc thành lập một ban điều phối và hình thành một quỹ đồng bằng như kinh nghiệm của Hà Lan; đồng thời nhấn mạnh vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy trong phát triển.

Thủ tướng mong muốn thành lập đường dây nóng giữa phía Việt Nam với Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan để trao đổi thông tin.

P.T